Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 17.662
Truy cập trong tháng: 132.564
Truy cập trong năm: 490.943
Tổng lượt truy cập: 5.683.321
Lượt truy cập hiện tại: 675

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người về lại bến làng Sình
Lượt đọc 8499Ngày cập nhật 10:44 13/12/2016

Nhớ lại những ngày đánh Pháp gian khổ ở mặt trận Bình Trị Thiên, tôi không thể nào quên được những kỷ niệm với ông Hà Văn Lâu - vị chỉ huy đầu tiên của tôi.

Sau gần 2 tháng ta vây hãm quân Pháp tại Huế, vào đầu tháng 2-1947, hàng ngàn quân Pháp từ Đà Nẵng kéo ra, từ ngoài biển cửa Thuận An đánh vào, rồi lính dù nhảy xuống giải vây cho đồng bọn và ào ạt tấn công ta. Quân ta đã ít, vũ khí lại thô sơ, không thể cản được giặc, thế là mặt trận Huế bị vỡ.

Lúc này, tôi làm liên lạc chạy từ pháo đài của Tư lệnh mặt trận Hà Văn Lâu mang tin đến Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh. Rồi từ chỗ ông Thanh mang mệnh lệnh của Đảng về vị trí chiến đấu của ông Lâu.

Quân và dân Huế đã vô cùng anh dũng chống lại giặc suốt mấy ngày đêm liền, cho đến lúc bị bao vây và tàn sát, ta phải rút lui.

Tôi nhớ khi cầm tờ lệnh của ông Thanh trở lại, thấy ông Lâu đứng bên khẩu đại bác 75mm duy nhất đặt trên thành Huế bị đạn pháo địch đánh trúng vỡ toác đầu nòng. Mở tờ giấy tôi trao, ông Lâu đọc nhanh rồi gọi một anh bảo vệ đến dặn đưa tôi về nơi để giấu ngựa. Giữa lúc bom rơi đạn nổ, ông Lâu nói to vào tai tôi: “Em đi lấy ngựa và cùng đội rút lên chiến khu trước đi”. Ông ôm chầm lấy tôi rồi đẩy vào lưng như ra lệnh phải chấp hành ngay. Tôi vội chạy theo anh bảo vệ. Sau đó chúng tôi gồm các chiến sĩ liên lạc gom lại được 7 cặp người - ngựa vừa đánh giặc vừa lên rừng.

Đến chiến khu Hòa Mỹ mấy ngày, chờ mãi vẫn không thấy ông Thanh và ông Lâu đâu. Trên rừng nhìn về cửa Thuận An thấy tàu chiến Tourville và Brezze của Pháp vẫn bắn đại bác vào TP Huế. Tiếng bom, đạn vẫn ầm ầm và mịt mù đầy trời.

Anh em bộ đội một số thoát vòng vây chạy lên Hòa Mỹ kể lại ông Nguyễn Chí Thanh đưa toàn bộ Thường vụ Tỉnh ủy về bám sát dân ở đồng bằng Quảng Điền. Trung đoàn Trần Cao Vân và tự vệ thành phố hầu như tan rã. Số thì chạy ra phía Bắc, một số chạy theo dân. Có người chôn súng, ném súng xuống sông mà chạy. Người ta thấy ông Lâu cùng Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Anh đứng đầu cầu An Lỗ chặn bộ đội lại và khuyên họ nên rẽ vào Hiền Sĩ để tìm đường lên chiến khu.

Biết không còn cách nào tập họp lại bộ đội được nữa, ông Lâu và ông Hoàng Anh cho phá sập cầu Phú Ốc và Hiền Sĩ rồi chia tay nhau. Ông Lâu kêu gọi tập họp lại bộ đội trên chiến khu. Hoàng Anh thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy đi nắm lại các cơ sở Đảng ở các huyện. Chỉ một tuần sau, ông Hoàng Anh đã lo xong đường dây liên lạc từ đồng bằng lên chiến khu. Còn ông Lâu, với uy tín và tình cảm thương yêu chiến sĩ, đã tập họp về chiến khu được gần 2 tiểu đoàn.

Ông bà Hà Văn Lâu đến thăm gia đình đồng đội Trần Công Tấn

Chiến sĩ Mai Văn Tư kể đại đội 3 của họ đánh chặn giặc, một số hy sinh, số còn lại mạnh ai nấy chạy chỉ còn lại 3 người. Gặp họ lôi thôi lếch thếch giữa đường, ông Lâu hỏi: “Súng ống đâu rồi?”, chiến sĩ Tư thành thật thưa: “đã chôn súng mà chạy”. Ba người lính run sợ đứng chờ Trung đoàn trưởng rút súng ra… tử hình. Ai ngờ ông Lâu bảo liên lạc lấy số gạo và thịt bò dân vừa ủng hộ đem phát cho 3 người lính và bảo họ: “Thôi, các em ra sông tắm rồi nấu cơm mà ăn. Còn bao nhiêu thịt bò thì làm “muối sả” để ăn dần. Chôn súng ở đâu thì mai mốt đi đào lên rồi tìm về đơn vị cũ mà chiến đấu”.

Mùa đông năm ấy, ở chiến khu Hòa Mỹ thật ảm đạm. Mưa rừng, sên vắt, thú dữ và bệnh tật xảy ra khắp các đơn vị, cơ quan. Người tập trung về chiến khu càng đông, lương thực cạn kiệt; phải đi đào củ mài, bẻ măng, hái rau rừng về ăn thay cơm. Có bao nhiêu ngựa đem theo đều lần lượt giết thịt. Đơn vị liên lạc chỉ còn con ngựa Thiết Mã của tôi. Ông Trần Quý Hai (Chính ủy) và ông Lâu bảo bên nhà bếp giữ lại con ngựa vì tôi cần phải có ngựa để đi đưa công văn mệnh lệnh kháng chiến. Cuối cùng để có thức ăn cho đội cảm tử về đánh thành nội Huế, đành phải hy sinh con Thiết Mã. Ngựa chết, tôi đói lại bị sốt rét nằm rên trong lán. Ông Lâu nghe tôi buồn vì ngựa chết, lại đang bệnh tật, liền đến thăm. Ôm chặt lấy tôi, ông nói: “Em đừng buồn nữa. Sau này bộ đội mình sẽ có kỵ binh. Em sẽ có con ngựa khác”.

Trong lúc cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt “một mất một còn” với giặc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh đã mở hội nghị tại làng Nam Dương, kêu gọi toàn Đảng bộ và nhân dân đứng dậy chống giặc xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau khi đọc thư Bác Hồ gửi vào động viên và nhắc nhở rằng: “Mới đầu địch còn mạnh, nó đến đâu cũng giết hại, tàn phá đến đó. Ta không nên hoang mang, phải nhẫn nại và kháng chiến, đánh du kích tiêu diệt nó dần dần để đi đến thắng lợi cuối cùng…”.

Hai năm sau, ta đã thành lập mặt trận của 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên. Ông Thanh trở thành Bí thư Khu ủy và ông Lâu là Chỉ huy trưởng của Mặt trận Bình Trị Thiên. Ông Thanh được nhân dân gọi là “Vị cứu tinh của Bình - Trị - Thiên” và ông Lâu là “Nhà quân sự tài năng”, được ra Việt Bắc báo cáo chiến công với Bác Hồ. Cuộc kháng chiến ngày càng giành nhiều thắng lợi. Ông Thanh trở thành Bí thư Khu ủy Liên khu 4, lãnh đạo cả 6 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị - Thiên. Năm 1950, Trung ương và Bác Hồ điều động ông Thanh ra Việt Bắc làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 5-1951, Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên Hà Văn Lâu giao lại nhiệm vụ cho Chính ủy Trần Quý Hai để ra Việt Bắc làm Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng).

Những ngày ở Chiến khu Hòa Mỹ, ông Lâu thường kể lại chuyện chiến đấu 100 ngày đêm giữ mặt trận Nha Trang, bảo vệ con đường huyết mạch Nam tiến vào chi viện cho Nam bộ kháng chiến. Lúc đó, 3 người con của Huế đã chỉ huy đánh lại hàng ngàn giặc Nhật và giặc Pháp bảo vệ TP Nha Trang cho đến ngày cuối cùng, đó là Hà Văn Lâu, Nguyễn Minh Vỹ và Trần Chí Hiền. Năm 28 tuổi, ông Hà Văn Lâu vừa nhận chức Đại đoàn phó Đại đoàn 27 đầu tiên của Quân khu 5 thì ngày 12-12-1946, Bí thư Xứ ủy Trung bộ kiêm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Nguyễn Chí Thanh điều động ông Hà Văn Lâu ra chỉ huy mặt trận Huế.

Khi ông Lâu ra Việt Bắc làm Cục trưởng Cục Tác chiến phục vụ Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy một số chiến dịch lớn cho đến Điện Biên Phủ chiến thắng, hiệp định Genève được ký kết, ông Lâu được phong quân hàm đại tá, làm Trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Genève giữa ta và Pháp. Tiếp sau đó, ông được chuyển sang ngành ngoại giao tham gia các hòa đàm với Pháp và Mỹ ở Genève về Việt Nam, về Lào và dự hòa đàm ở Paris với Mỹ, góp phần mang lại hòa bình cho toàn cõi Đông Dương. Thắng giặc rồi, ông Lâu được cử làm đại diện Việt Nam ở Liên hiệp quốc, rồi làm đại sứ tại các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Cuba… Hết làm đại sứ, ông về nước làm Chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở nước ngoài và là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến lúc 72 tuổi, xin về hưu để chăm sóc bà Diệu Hương (vợ ông) đang ốm nặng.

Năm 1997, để hưởng ứng cuộc vận động viết hồi ký của các tướng lĩnh trong quân đội, tôi được phân công viết về Thượng tướng Trần Sâm. Khi tiếp xúc với tướng Sâm, ông hỏi có ai viết về ông Lâu chưa, rồi nói: “Người ta bảo Bình Trị Thiên có đến hàng chục tướng lĩnh. Cứ quân hàm cao nhất thì chọn viết trước. Anh Hà Văn Lâu chỉ là đại tá nhưng chưa viết hồi ký, thì tụi tôi đều là lính dưới quyền anh trong kháng chiến, chưa ai dám viết trước anh Lâu đâu”. Tôi về trình bày lại với Ban liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Bình Trị Thiên, mọi người đều đề nghị và thuyết phục ông Lâu nên viết trước. Gặp tôi, ông Lâu lúng túng nói không biết viết hồi ký như thế nào. Tôi đề nghị ông cứ kể chuyện cuộc đời theo biên niên lịch sử, cho tôi viết lại. Ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi có cách nào viết mà ông không phải xưng “tôi” để kể. Tôi nói, nếu theo yêu cầu của ông thì tôi viết dạng tiểu thuyết tư liệu sự kiện. Ông đồng ý. Trong lúc ông đang vui, tôi nói: “Mọi người đều kêu anh mang quân hàm đại tá lâu đến hơn 20 năm”. Ông cười nói vui: “Bởi tôi tên Lâu mà”. …

Phải nói viết về ông rất khó, bởi vì cuộc đời của ông phong phú, trải qua nhiều chức vụ và nhiều nơi quá. Trong thời gian sưu tầm tài liệu, tôi về quê ông ở làng Sình, cách Huế 7km, rồi đến các mặt trận xưa kia ông từng chỉ huy, chiến đấu; đến các nước ông đã từng sống và công tác. Đến Pháp, đến Mỹ nghe kiều bào và các bạn Pháp, Mỹ kể về ông, xem các tài liệu của địch nói về ông... Biết tôi đi tìm hiểu để viết về cuộc đời ông, kiều bào các nước nhiệt tình đón tiếp và tỏ lời kính phục ông, ca ngợi đạo đức cách sống giản dị, chan hòa, thân thiện và tư duy uyên bác cũng như cách làm việc thông minh, quan hệ rộng rãi của ông trong lĩnh vực ngoại giao.

Khi đến Hoa Kỳ, tôi tìm gặp bà Jane Fonda, một diễn viên điện ảnh Mỹ rất có cảm tình với Việt Nam. Bà Jane đến Việt Nam nhiều lần, có mặt tại Khâm Thiên lúc B52 Mỹ ném bom Hà Nội. Bà rất kính trọng và thân thiết với ông Lâu. Bà góp nhiều ý kiến khi ông làm đại diện của Chính phủ Việt Nam ở Liên hiệp quốc. Tôi hỏi bà về ông Lâu, bà Jane nói: “Đó là một người đàn ông tuyệt vời: Trung thành, hết lòng phục vụ đất nước, sống cởi mở thân thiết với bạn bè trong nước và quốc tế, chung thủy thương yêu chăm sóc vợ con, gia đình” …

Đúng như bà Jane Fonda nhận xét. Có lần bà Diệu Hương vợ ông ốm nặng, tôi đến thăm, thấy ông ngồi cầm tay bà giọng rất buồn, bảo lần này chắc bà không qua khỏi. Nếu bà “đi” trước, sẽ đưa bà về bến làng Sình và khi nào ông “nhắm mắt” cũng xin về nằm bên cạnh mộ bà...

Làng Sình của ông có tên chữ là Lại Ân. Làng có ba cái sình: Chợ Sình, đình Sình và ngã ba Sình. Hàng năm, sau Tết Nguyên đán mấy ngày là vào Hội vật nổi tiếng của làng Sình. Cả xứ Huế tấp nập đến dự hội, thi đấu vật và hát hò thâu đêm. Bến làng Sình rất thơ mộng bên dòng sông Hương trong veo, xanh ngắt. Nhìn sang bờ Bắc thấy đoạn cuối của sông Bồ chảy từ trên núi Tam Thai - Hòa Mỹ đổ ra sông Hương gặp ngã ba Sình. Hai bên con sông Bồ là làng quê của các ông Hoàng Anh, Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh. Tuổi trẻ ông Hà Văn Lâu ước ao sẽ đi theo con đường cách mạng của nhóm Cộng sản Sông Bồ, và ông đã toại nguyện.

Người đi từ bến làng Sình để cứu nước non. Nay tuổi già, người muốn về lại bến làng Sình để an nghỉ. Cầu mong cho người chỉ huy cũ kính mến của tôi được toại nguyện.

Tôi đang viết đến những dòng này thì cháu Hồng - con gái ông, gọi đến báo tin ông đã từ trần lúc 18 giờ 45 tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM. Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc thắp nén tâm nhang, cầu mong cho linh hồn ông thanh thản về nơi an nghỉ cuối cùng.

TPHCM, đêm 6-12-2016.

Trần Công Tấn

Theo Sài Gòn giải phóng Online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày