Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 36.342
Truy cập trong tháng: 108.215
Truy cập trong năm: 466.594
Tổng lượt truy cập: 5.658.972
Lượt truy cập hiện tại: 807

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Vương vấn cõi tạm phù hoa...
Lượt đọc 7652Ngày cập nhật 10:50 03/01/2017

Đồng nghiệp ở Huế vừa kỷ niệm 10 năm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng rời xa cuộc đời. Anh ra đi ngày 16-12-2006 ở tuổi 40, độ tuổi chín muồi nhất của một người đam mê sáng tạo văn chương

Nhiều lần tôi cứ vẩn vơ tự hỏi, tại sao Thượng Đế lại hà tiện với Nguyễn Xuân Hoàng như vậy, chỉ cho anh sống có chừng ấy thời gian trong khi những trang văn của anh đang quyến rũ lên từng ngày!

 Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng viết cả thơ, truyện ngắn và tiểu luận, nhưng thành công đáng kể nhất phải nhắc đến thể loại tùy bút. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tính tình nhún nhường và ưa nghĩ ngợi, nên những trang tùy bút của anh cứ chảy ra rất nhẹ nhàng và gợi mở. Tôi còn nhớ bài tùy bút đầu tiên của Nguyễn Xuân Hoàng mà tôi đọc được là những khúc tản mạn về mái tóc mẹ. Anh viết về mẹ của anh, người đàn bà qua bảy lần sinh nở nhưng mái tóc vẫn óng mượt và dài chấm gót. Mỗi lần chải tóc, mẹ anh phải đứng trên một cái ghế để tóc khỏi chạm đất. Và trong niềm rưng rưng của Nguyễn Xuân Hoàng, một ngày nhìn lại bỗng thấy tóc mẹ rụng dần, chỉ còn một búi cỏn con sau gáy hơi nhỉnh hơn củ tỏi một chút. Sự quan sát ấy rõ ràng không thể nào che giấu được phẩm chất một người con hiếu thảo. Tôi quý nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từ đó, dù không có điều kiện gặp gỡ anh thường xuyên. Trong giới cầm bút, cũng có một nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng trùng tên sinh năm 1940, sống và viết chủ yếu ở hải ngoại, qua đời năm 2014. Còn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mà tôi đang nhắc đến, sinh năm 1966 ở Pleiku, rồi theo mẹ về Quảng Ngãi đi học. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn – ĐH Huế, Nguyễn Xuân Hoàng cũng lang bạt nhiều nơi xin việc, nhưng cuối cùng anh quay lại cố đô làm phóng viên. Dù Nguyễn Xuân Hoàng ngược xuôi với chức phận nhà báo 12 năm, nhưng tôi vẫn thấy hình dong mảnh dẻ của anh, đôi mắt ướt buồn của anh dường như không thích hợp lắm với lĩnh vực truyền thông phải bôn ba suốt ngày. Tháng 9-2006, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng gọi điện thông báo, anh rời khỏi Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên – Huế để chuyển sang làm Trưởng ban Biên tập Tạp chí Sông Hương. Anh nói, anh muốn sống trọn vẹn với văn chương. Tôi chúc mừng anh, và không ngần ngại bộc bạch rằng, tôi đang chờ đợi cuốn tùy bút thứ ba mang tên “Ký ức quỳnh hương” của anh, vì hai cuốn tùy bút trước là “Hương mùa thu” và “Cỏ hoa xứ Huế” đã thuyết phục tôi. Nguyễn Xuân Hoàng hứa khi nào in xong sẽ gửi ngay cho tôi. Thế nhưng, một ngày cuối đông 2006, bạn bè ở Huế loan tin anh đột ngột giã từ nhân gian. Thật bẽ bàng, từ Tết năm ấy đến Tết năm nay và những Tết sau nữa, tôi và nhiều độc giả không còn được đọc những câu run rẩy của Nguyễn Xuân Hoàng mỗi khi nắng xuân chơm chớm bên hiên: “nhớ khu vườn cũ nhà em ngày Tết nở đầy hoa mai. Con bướm vàng ngày cũ khát khao màu hoa nở lụa là trong nắng. Để trong ký ức tôi từng cánh mỏng hoa rơi nhè nhẹ xuống cội lòng”. Những khi có dịp vào Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đều hẹn tôi tán gẫu. Mỗi lần chạy xe đến, từ xa tôi đã nhận ra cái dáng mơ màng của anh. Không lẫn vào đâu được, giữa góc phố ồn ả, vẻ ngơ ngác của Nguyễn Xuân Hoàng khiến người tinh ý biết ngay anh là văn sĩ. Hầu như lần nào cũng vậy, trước khi nói chuyện thơ phú chữ nghĩa, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thường đề nghị chở dùm anh đi mua món gì đó về làm quà cho đứa con gái. Sự lúng túng của anh trong shop hàng lưu niệm rất buồn cười, nhưng cũng rất đáng trọng. Lúc ấy, thừa biết tôi chưa lập gia đình, nhưng anh hết cầm búp bê lại cầm hộp bút lên để tham khảo ý kiến của tôi: “Cái ni cũng đẹp hỉ?”. Tôi có cảm giác, hình như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng không thuộc về cuộc sống phố thị chen lấn, không gian của anh chậm rãi và thong thả. Mà thật vậy, cư ngụ ở một nơi không quá xô bồ như Huế, anh vẫn “thấy thèm và nhớ một bữa cơm đồng. Nhớ có lúc đến cùng quẫn, bèn tự bày ra trong trí nhớ những bữa cơm đồng đã từng ăn. Mâm ăn trong tơ tưởng có canh mướp hương, đĩa cá rô con và chén mắm cái ớt mọi…Rồi bất chợt giật mình, thảng thốt nghe như có tiếng ai gọi “bớ…cơm”. Tiếng gọi như gió thoảng mơ hồ khiến lòng ứ đầy dư vị tha hương”. Những người có tính nóng vội, trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng rất dễ cáu, vì anh đề cập vấn đề gì cũng tỉ mỉ chi tiết, cũng dắt díu ngọn nguồn. Cái nết ấy trở thành ưu điểm trong quá trình anh theo đuổi thể loại tùy bút. Ngoài khả năng quan sát thấu đáo, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng luôn có sẵn tấm lòng tha thiết với cuộc đời, để mỗi trang mỗi đoạn mỗi dòng của anh được rung lên những cung bậc cảm xúc khác nhau. Anh nghĩ về việc “Phóng sinh những cánh chim trời” bằng chút nổi giận cần thiết của lương tri: “Trước khi chúng ta kịp hiểu điều gì đã xảy ra, thì những con chim én tội nghiệp vẫn tiếp tục bị những con người tội nghiệp săn đuổi. Trong cái vòng lẩn quẩn của cơm áo, thiên nhiên đã bị rẻ rúng đến tăm tối. Và trên cao, những con chim én hiền lành, vô hại, mang mùa xuân đến đang sải cánh tung bay, bất chấp những cạm bẫy đang rình rập giăng há từ phía con người”. Anh nghĩ về “Bùn hoa” bằng nỗi ngậm ngùi dâng hiến trong sạch: “Trong nỗi ám ảnh về cái đẹp vẫn thường rộng lớn của cuộc đời, từ đóa sen thanh bạch, khải thị một giấc mơ về ánh sáng, tôi nghĩ bùn nuôi hoa sen không còn là bùn nữa, mà đó là một thứ hoa vô ảnh đăng, sống để cho đời một cái đẹp bất ngờ”. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng không quen to tiếng với người khác, nhưng bản thân của anh lại luôn trĩu nặng những sự âu lo. Anh không âu lo cho riêng mình, anh âu lo cho xã hội đang đối mặt nhiều bộn bề, anh lo cho nhân tích đang thử thách nhiều cam go. Khi cần phải thể hiện một thái độ dứt khoát, Nguyễn Xuân Hoàng sẵn sàng bày tỏ quan điểm cá nhân một cách mạch lạc: “Ước mơ giản dị nhất, cũng là cao quý nhất của con người vẫn là có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, và được học hành. Thời đại nào, chính sách nào, cơ chế nào cũng phải xoay quanh cái trục đó, lấy cái trục đó làm tiêu chí định lượng đánh giá sự phát triển. Xa rời tiêu chí đó một giờ, một buổi, một ngày là mất dân, mất lòng dân. Vì vậy mà cổ thi bảo chăn dân lòng sợ hãi như người cầm sợi dây mục mà điều khiển sáu con ngựa. Sách đã ghi vậy, ai đọc, ai làm?”. Lập thân và lập nghiệp ở Huế, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có cách nhìn mảnh đất cố đô rất giản dị và rất ân tình: "Dường như mỗi người có một cách riêng để yêu hoa. Có người chỉ thích hoa dại. Ven bờ thành nội Huế đẹp nhất là Cổ cò, thân mỏng, hoa trắng, cánh nhỏ, hương ngai ngái xa. Đây cũng là hoa trên bàn khách của những cặp vợ chồng nghèo"… Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ra đi, để lại bao nhiêu dự định dang dở trong nghề văn. Thương nhớ anh, NXB Thuận Hóa đã in tuyển tập tùy bút của anh với tên gọi “Hồn mai”, chắt lọc từ hai cuốn sách của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từng in lúc sinh thời là “Hương mùa thu” và “Cỏ lau tóc mẹ”. Tôi đã đọc cuốn sách dày 400 trang ấy một cách cẩn thận và tin rằng Nguyễn Xuân Hoàng đã là một tác giả, tác giả của những trang viết hào hoa và trăn trở. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại “Hồn mai” để chia sẻ với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vì hơn một lần anh mong muốn chọn hoa mai làm quốc hoa: “Nếu để mất hoa mai vào dân tộc khác, đó là sự mất mát lớn, vì khó có loài hoa nào sánh được với hoa mai về vẻ đẹp, về ý nghĩa và tính phổ biến của hoa trong đời sống tinh thần của người Việt. Và một khi được lựa chọn làm quốc hoa, hoa mai sẽ là một “sứ giả” đáng tin cậy đủ sức quảng bá quốc hồn, quốc túy của người Việt với thế giới”. Tuyển chọn từ di cảo của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cuốn sách “Cõi tạm phù hoa” cũng đã được giới thiệu đến độc giả. “Cõi tạm phù hoa” gồm cả truyện ngắn, thơ và tùy bút. 10 năm, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng không còn nữa, nhưng tác phẩm của anh vẫn ở lại đây, nhẹ nhàng và thủ thỉ với người đọc: “Đôi khi tâm hồn tôi phiêu lãng thiên đường/ kể cho thân xác nghe câu chuyện về địa ngục/ đôi khi thiên thần gãy cánh / thân xác kể cho tâm hồn nghe câu chuyện thiên đường”.

 

 LÊ THIẾU NHƠN

Theo Nông nghiệp Việt Nam online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày