Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 22.041
Truy cập trong tháng: 93.914
Truy cập trong năm: 452.293
Tổng lượt truy cập: 5.644.671
Lượt truy cập hiện tại: 975
'Vẽ' lại hồi ức về kinh thành Huế
Lượt đọc 5936Ngày cập nhật 10:54 28/07/2020

TS Trần Đình Hằng ví von việc dịch cuốn Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ 19 giống như "vẽ" lại từng phần để có "một con voi" đẹp hoàn chỉnh về lịch sử của cố đô.

 

Bìa cuốn 'Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ 19' /// Ảnh: T.L
Bìa cuốn 'Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ 19'
ẢNH: T.L
 
Dịch giả Lê Đức Quang đã rất phân vân khi TS Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, đề nghị ông dịch cuốn Hồi ức kinh thành Huế đầu thế kỷ 19 của tác giả Michel Đức Chaineau sang tiếng Việt. Đó là câu chuyện về một thời đại đã qua, một đối tượng không còn tồn tại. “Michel Đức Chaineau mô tả cả một triều đình Huế với ngôn ngữ quan lại đặc thù. Do đó, rõ ràng có vấn đề đặt ra là dịch nhắm tới đối tượng độc giả nào. Bản thân chữ hồi ức tôi cũng không thích”, ông Quang chia sẻ tại buổi tọa đàm về cuốn sách vào trung tuần tháng 7 tại Hà Nội.
Ông Quang đã đề nghị hai người bạn "nghiện sách" của mình đọc thử cuốn sách khi đi ngang Huế xem có nên dịch không. “Sau khi đọc 2 ngày, họ nói đọc vẫn thấy những điều đang ở Huế giờ. Rõ ràng, nó có những tham chiếu cho hiện tại”, ông nói. Sau này, ông Quang xác định độc giả chính là người đương thời muốn biết về Huế xưa, về những phần Huế mà họ còn trống.
'Vẽ' lại hồi ức về kinh thành Huế - ảnh 1

Chân dung tác giả Michel Đức Chaineau của cuốn Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ 19

ẢNH: T.L

Bản thân tác giả Michel Đức Chaineau cũng thu hút ông về mặt văn hóa. “Một con người mang hai dòng máu Pháp - Việt. Hình ảnh chụp năm 1863 ở Paris khi ông viết tác phẩm mà ông mặc trang phục áo dài cho thấy sự vướng vít giữa hai nền văn hóa. Chúng ta cũng chứng kiến được cú sốc văn hóa bên trong một con người di chuyển giữa 2 thế giới. Đó là đế chế An Nam thấm đẫm giá trị Khổng giáo, thế giới của người Pháp với tự hào Thiên chúa và cuộc tìm kiếm thuộc địa”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quang, sự giằng xé văn hóa này không kéo ông đến việc nhìn sự việc theo kiểu kỳ thị, thực dân. “Con người này vẫn còn thái độ vị chuẩn, lấy mình làm thước đo cho người khác. Đó là chuẩn mực của dân tộc học. Ông viết về dân tộc học khi chưa có ngành dân tộc học”, ông Quang nói.
Những hồi ức của Michel, theo dịch giả Lê Đức Quang, có nhiều chi tiết một cách kỳ lạ. Đồng thời, việc có nhiều văn phong mô tả cũng làm cuốn sách trở nên khó dịch hơn. “Ông có những mô tả rất chi ly, chẳng hạn về chợ ngày xưa, về lễ tế ở đàn Nam Giao. Chúng ta cũng cần biết theo lý thuyết dịch thuật, văn phong mô tả là điều khó chuyển dịch. Ông không chỉ mô tả tầng lớp trên mà còn tả cả tầng lớp lam lũ. Con người này viết lại ký ức với chi tiết chi ly, cho thấy ông có trí nhớ tốt”, ông Quang chia sẻ.
TS Trần Đình Hằng cho biết cùng với cuốn Hồi ức kinh thành Huế đầu thế kỷ 19, những tư liệu về triều Nguyễn, về Huế do người Pháp để lại sẽ được ông và dịch giả Lê Đức Quang  tiếp tục thực hiện. Ở đó, những câu chuyện sẽ được ghép lại để ra một hình dung kỹ càng hơn về lịch sử. Đó cũng là những điều mà trước đây khi đọc sử, thế hệ của ông thấy thiếu. “Nếu cùng nhau cố gắng, khai thác nhiều góc thì sẽ vẽ được con voi đẹp từ các góc nhìn khác nhau như thầy bói xem voi”, ông Hằng ví von.

Ngữ Yên

Ngữ Yên

 
 

 

Theo Thanh niên online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày