Các phật tử và đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế dự lễ cầu quốc thái dân an tại Tổ đình Từ Đàm. Ảnh: PGH
Những ngày qua, nhiều người dân đã đến vãng cảnh, viếng chùa và dự lễ cầu an ở chùa Thiên Minh (đường Điện Biên Phủ, TP.Huế). Đây là một trong những ngôi chùa đón tiếp nhiều Phật tử, gia đình đạo hữu đến cầu an mỗi dịp đầu năm mới. Theo thông tin từ nhà chùa, ngay từ ngày mồng 2 Tết, chùa đã tổ chức lễ cầu an và kéo dài cho đến hết ngày rằm tháng Giêng. Những gia đình đạo hữu đã từng đăng ký thời gian lễ cầu an của năm trước thì năm nay nếu tiếp tục dự lễ vẫn được tổ chức theo mốc thời gian của trước đó; những gia đình đăng ký mới trong xuân Quý Mão 2023 này thì nhà chùa sẽ sắp xếp lịch phù hợp và thông báo để tham dự lễ cầu an.
Bà Lê Thị Biền, 74 tuổi, nhà ở làng Tráng Lực, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết: từ ngày 11 tháng Giêng, bà và con gái đã đến chùa Thiên Minh để dự lễ cầu an. Năm nào cũng vậy, bà thường đến chùa cầu an từ sớm, không nhất thiết phải chờ đến ngày rằm. “Cầu an với mong muốn con cháu trong gia đình đều bình an, khỏe mạnh. Người khỏe mạnh, tâm bình an thì cuộc sống cũng sẽ suôn sẻ”- bà Biền nói.
Du khách đến chùa Thiên Minh, TP.Huế cầu bình an trong những ngày đầu năm mới Quý Mão
Một số chùa khác ở trung tâm Thành phố Huế chỉ tổ chức các nghi lễ cầu quốc thái dân an để mọi người có thể tham gia lễ nói chung, không nhận sớ cầu an của các gia đình đạo hữu. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ những ngày đầu năm mới, những ngôi nổi tiếng ở Huế như Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Lâm, Tường Vân, Từ Vân… đã đón lượng lớn du khách và nhân dân địa phương đến dâng hương lễ phật và cầu bình an. Thừa Thiên Huế được xem là “thủ phủ” của chùa chiền và trung tâm của Phật giáo, nhưng điều đặc biệt là các chùa ở Huế là không xảy ra tình trạng chen lấn, tập trung đông đúc trong dịp lễ cầu an ngày rằm, mà có thể tổ chức lễ cầu an trong những ngày trước đó. Và người Huế cũng không nhất thiết chờ đến ngày rằm mới dự lễ cầu an, mà những ngày đầu năm mới đã đến chùa cầu bình an. Lễ cầu an cũng được nhiều chùa và cơ sở tự viện ở các huyện xã tổ chức nên người dân ở các địa phương đều có thể tham gia, chứ không phải ồ ạt ập trung về các chùa lớn tại TP.Huế. Lễ cầu an ở các chùa tại Huế có những nghi lễ cơ bản giống với các chùa ở miền Bắc, nhưng được tổ chức với hình thức đơn giản, ngắn gọn hơn.
Phật tử đến dự lễ tại chùa Từ Đàm
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức lễ cầu quốc thái dân an vào ngày 4.2 (tức 14 tháng Giêng) tại Tổ đình Từ Đàm, phường Trường An, TP.Huế. Lễ cầu quốc thái dân an được diễn ra trang nghiêm, với lượng thời gian phù hợp, ngắn gọn, tiết kiệm.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có thông báo đến các chùa, cơ sở tự viện khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an phải tránh mê tính dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo; đồng thời, công tác tổ chức phải lưu ý tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Người dân xứ Huế không tập trung đông đúc đến chùa cầu an trong ngày rằm tháng Giêng mà có thể dâng hương lễ Phật cầu an từ nhiều ngày trước đó
Trước đó, từ ngày mồng 6 Tết, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện A Lưới đã tổ chức cử hành khóa lễ nguyện cầu bình an cho đồng bào Phật từ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong các ngày vừa qua, các chùa Linh Quang, chùa Kim Tiên… tại trung tâm TP.Huế cũng đã cử hành Pháp hội Dược Sư Thất Châu cầu nguyện quốc thái dân an. Ông Trần Ngọc Chuyên, 64 tuổi, trú tại phường Đông Ba, TP.Huế, cho biết: nhiều gia đình đã đến chùa dự lề cầu an từ những ngày Tết Nguyên đán, tùy điều kiện công việc và thời gian mà sắp xếp cho phù hợp. Các chùa ở Huế chủ yếu làm lễ cầu an để các Phật tử, đạo hữu, du khách cầu bình an cho gia đình; rất hiếm chùa nhận dâng sao giải hạn, gần như việc “giải hạn” được các gia đình tổ chức tại gia.
Bài, ảnh: SƠN THÙY