Tranh làng Sình xứ Huế – Dấu ấn đậm sâu mãi với thời gian
Tinh hoa tranh làng Sình
Một ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ngược dòng sông Hương thơ mộng hơn 10km, chúng tôi tìm về nhà Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước ở làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế. Trước căn nhà cấp 4 đơn sơ đã phủ màu thời gian là một ông già nước da ngăm đen, bàn tay chai sần đang tỉ mẩn với những công đoạn in hình, tô màu để tạo ra những bức tranh độc đáo mang tên tranh làng Sình.
Vừa sắp những bản khắc gỗ để in bộ lịch chào xuân Giáp Ngọ, ông Phước vừa cho biết: “Tranh làng Sình có tuổi đời gần 500 năm. Vào khoảng cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, cùng với dòng người theo chân Chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa lập nghiệp, ông Kỳ Hữu Hòa đã mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản vào làng Sình định cư và truyền dạy. Ông Hòa được coi là tổ nghề tranh làng Sình”.
Để có một bức tranh phải trải qua 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Đầu tiên, dùng mực màu đen phết lên bản mộc rồi dùng giấy dó in thành một bức tranh thô. Đem phơi cho khô mực rồi dùng các loại màu tự pha chế để tô vẽ họa tiết lên tranh, sau đó đem phơi lại cho khô mới thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Trước kia, tranh làng Sình hoàn toàn sử dụng giấy dó, nhưng nay để tiện và đỡ tốn kém, người ta đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp và tô bằng phẩm màu. Chỉ riêng ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và màu tự nhiên. Mộc bản để in tranh làng Sình làm bằng gỗ mít, thị hay gỗ mức và không phải ai cũng có thể làm được, chỉ có ông tổ, hoặc những nghệ nhân tài hoa nhất của làng Sình mới có thể khắc nên để giữ đúng bản sắc, và lưu truyền cho hậu bối làm nghề. Hiện nay, chỉ còn mình ông Phước khắc được mộc bản tranh làng Sình. Đó cũng là nỗi trăn trở của chính ông vì sợ rằng khi mình không còn nữa, tranh làng Sình sẽ mai một theo thời gian.theo thời gian.
Bút để tô vẽ tranh do chính ông Phước sáng tạo nên. Ông Phước cho biết: “Tổ tiên xưa dùng cành tre non đập mịn một đầu làm bút. Nhưng từ lên 7 tuổi, tôi đã dùng ruột của rễ cây dứa dại làm bút. Bút rễ dứa bền và mịn hơn bút tre gấp trăm lần”. Sự khác biệt của tranh làng Sình với các dòng tranh dân gian khác chính ở nét vẽ và bố cục thô sơ, đậm chất làng quê. Mỗi bức đều mang trong mình tâm trạng của nghệ nhân lúc đó.
Thổi hồn cho tranh làng Sình
65 tuổi nhưng ông Phước đã có hơn 60 năm làm tranh. Ông là đời thứ 9 trong dòng họ Kỳ theo nghiệp làm tranh dân gian làng Sình. Chứng kiến bao thăng trầm lịch sử cũng như những biến thiên của tranh làng Sình, ông Phước cho biết, thời kỳ trước ngày đất nước thống nhất (1975), nghề tranh làng Sình phát triển thịnh vượng, người người, nhà nhà đều làm tranh. Nhưng sau giải phóng, nghề làm tranh làng Sình bắt đầu mai một.
Lúc đó, đất nước khó khăn, học sinh còn không có giấy đi học nên việc làm tranh được cho là phí phạm, những người làm tranh phục vụ việc thờ cúng còn bị xem là truyền bá mê tín dị đoan, các mộc bản tranh bị tịch thu chẻ làm củi đốt. Duy chỉ mình ông Phước giữ được nguyên vẹn hơn 100 bộ mộc bản làm nghề.
Ông Phước kể lại: “Nghĩ là nghề của tổ tiên dày công để lại mà không giữ được thì có tội lớn nên tôi đánh liều đào hầm, bọc mộc bản vào bao nylon rồi chôn giấu dưới đất. Sau một vài năm, tôi đào nguyên cái hầm lớn dưới nhà, đêm đêm cả nhà lại xuống hầm thắp đèn làm tranh. Tranh làm xong lấy dây buộc vào lưng rồi mặc áo quần để che, đưa lên thành phố, vào các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi… bán”.
Cứ vào mùa hè, ông Phước lại mở lớp dạy nghề làm tranh làng Sình miễn phí cho lớp trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên trong làng để phát huy nghề truyền thống. Còn những ngày giáp Tết này, sau những giờ tan học, con em làng Sình lại phụ giúp cha mẹ, ông bà tô màu, vẽ tranh… làm rộn rã cả một làng nghề. 20 năm sau, khi đất nước mở cửa, đời sống kinh tế đi lên, nhận thức cũng dần thay đổi. Đảng, Nhà nước chủ trương khôi phục lại những làng nghề truyền thống.
Với nghề làm tranh làng Sình, ngày đó duy chỉ còn ông Phước còn mộc bản in tranh và biết làm tranh.Với quyết tâm khôi phục làng tranh truyền thống, ông tự nguyện bỏ tiền, bỏ công ngày đêm cặm cụi ngồi khắc bản mộc in tranh đem đến từng nhà vận động dân làng tiếp tục làm tranh. Tranh họ làm ra, ông lại phải lặn lội mang đi khắp các chợ trong và ngoài tỉnh để chào hàng. Mưa dầm thấm lâu, dân làng dần tin tưởng và làm theo ông. Hiện nay, làng Sình đã có trên 50 hộ theo nghề làm tranh.
Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu xã hội cần thêm tranh trang trí nên ông Phước đã mày mò, khắc bản mộc để đưa những trò chơi như đấu vật truyền thống của làng Sình lên tranh. Ngoài ra còn có những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm, 12 con giáp… làm phong phú thêm cho tranh làng Sình. Chính những đóng góp to lớn trong việc phục sinh tranh làng Sình, ông Phước đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh và là một trong những nghệ nhân được tôn vinh. Bộ lịch Bát âm của ông được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tình Thừa Thiên – Huế năm 2013.
Làm tranh làng Sình thu nhập không bao nhiêu, mỗi lao động kiếm bình quân từ 20.000 – 50.000 đồng/ngày. Tết đến, xuân về tranh bán chạy hơn, thu nhập mới lên được 50.000 - 70.000 đồng/người/ngày, giải quyết được việc làm cho người dân sau những mùa vụ nông nhàn. Thế nhưng, Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tâm sự: “Thu nhập của nghề thấp lắm”.
TW Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam sưu tầm