Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (bên phải) trong lễ công bố Đề án Tủ sách Huế
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Các Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… dự và chủ trì Hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ dự, chủ trì tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế và có bài tham luận trực tiếp tại Hội thảo với chủ đề: “Lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Xây dựng nền văn hóa mới
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiên phong lãnh đạo. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội…
Hầu hết các ý kiến tham luận tại Hội thảo khẳng định, ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của bối cảnh mới, nền tảng phát triển mới và nhận thức mới của Đảng và dân tộc.
GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, Đề cương còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc, là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam.
Ý kiến khác nêu rõ, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển; nhìn thẳng vào thực tế để xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án phát triển bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, bản chất cốt lõi của văn hóa chính là “một mặt trận”, là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, là “sức mạnh nội sinh”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước”…
Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát triển bền vững
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, Thừa Thiên Huế là vùng đất đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc; cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú, hình thành từ lâu đời. Từ những yếu tố về tự nhiên, xã hội, đã hình thành nên “Bản sắc văn hoá Huế và đặc trưng con người Huế” với những dấu ấn riêng.
Mặc trang phục áo dài - một nét đẹp của giới trẻ Huế
Trải qua bao biến cố lịch sử và thăng trầm của dân tộc, Huế vẫn giữ được sự hài hòa giữa cổ kính với hiện đại, giữa những yếu tố nhân tạo với môi trường thiên nhiên.
Người dân Huế trọng truyền thống đạo lý, truyền thống gia đình, dòng tộc; quý trọng những giá trị tinh thần; tính tình, tính cách sâu sắc, khiêm tốn, chừng mực, cầu tiến, hiếu học, tôn trọng kẻ sĩ, hiếu khách. Người Huế kín đáo, trầm lặng; có xu hướng hướng nội nhiều hơn hướng ngoại, đời sống nội tâm…
Văn hóa Huế đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, vừa thể hiện tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng, vừa là bản sắc riêng với những yếu tố tích cực. Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương có môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống.
Trong tiến trình xây dựng Huế là thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tỉnh xác định, văn hóa Huế chính là từ trong mỗi gia đình - nhà trường - xã hội; từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội để Huế luôn gìn giữ những bản sắc văn hóa của mình, nhưng vẫn tiếp thu những cái mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa làm giàu bản sắc văn hóa, vừa hội nhập một cách chủ động, tích cực.
Để góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, từ góc nhìn của Huế, chúng tôi nhận thấy rằng, nề nếp, gia phong và những giá trị cốt lõi trong mối quan hệ gia đình - xã hội của người Huế phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Gia đình Huế vẫn mang trong mình những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, có sự bảo tồn, cách tân, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và bổ sung các giá trị văn hóa mới làm cho gia đình hoàn thiện hơn.
Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện Đề án về “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” - nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất. Huế là một trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo thấm đẫm khá sâu trong lối sống Huế, tạo thành một thành tố quan trọng trong văn hóa Huế.
Tuy nhiên, từ thực tế, trong dòng chảy của văn hóa dân tộc Việt Nam, Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều vấn đề của sự xâm nhập văn hóa từ bên ngoài, của mặt trái nền kinh tế thị trường. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn đề cao văn hóa dân tộc, có nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời để bảo vệ, gìn giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Dưới ánh sáng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" và đường lối văn hóa của Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗ lực cao nhất và những lợi thế sẵn có của mình, Huế đã và đang hành động theo hướng cân bằng và kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững; góp phần bảo vệ và lan tỏa, phát huy các giá trị bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.
Bài, ảnh: ANH PHONG