|
"Thư viện Làng" ở Thừa Thiên Huế Lượt đọc 39507Ngày cập nhật 4:03 20/10/2010 Nằm ở khu vực Ngũ Điền, làng Kế Môn (thuộc xã Điền Môn) được xem là vùng sâu, vùng xa của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng lâu nay, người dân ở làng lại không thiếu nguồn sách báo để đọc. Tất cả là nhờ vào “thư viện của làng” duy nhất của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong không gian rộng hơn 400 m2, gần 10 năm nay, ngôi nhà rường gần trăm năm tuổi ở làng Kế Môn đã trở thành trung tâm thư viện của làng với nguồn tư liệu phong phú, vào khoảng hơn 2000 đầu sách báo các loại. Thư viện này được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghiên cứu của người dân và các em học sinh trong làng và các vùng lân cận.
Em Võ Thị Hạnh, học sinh trường THCS Điền Môn, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thư viện gần nhà nên rất tiện cho em trong việc tham khảo nhiều loại sách, nhất là trong những ngày nghỉ hè rảnh rỗi”.
Còn theo anh Trần Đăng Lý, một người dân trong làng: “Khi có thư viện này, hàng ngày tranh thủ thời gian rảnh, những người nông dân chúng tôi lại đến đây đọc sách báo về nông nghiệp, tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu những công nghệ mới để góp phần phát triển nông nghiệp của địa phương mình”.
Người góp công không nhỏ trong việc thành lập địa chỉ tin cậy này cho học sinh và nông dân làng Kế Môn chính là ông Hồ Huệ, một người dân của làng, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 10 năm trước, ông Hồ Huệ đã tặng khu đất và ngôi nhà rường cổ kính của gia đình mình để xây dựng thư viện làng, nhằm nâng cao văn hoá đọc cho bà con nông dân. Trước việc làm ý nghĩa của ông Huệ, thư viện Quốc gia đã hỗ trợ thêm nguồn sách. Tổ chức Leaf cũng có dự án hỗ trợ thư viện làng bằng việc hàng tuần cung cấp 3 đầu báo: văn hoá, nông nghiệp và sức khoẻ đời sống để phục vụ người dân.
Ngoài nguồn sách báo khá dồi dào, thư viện làng Kế Môn còn có 1 phòng trưng bày về nông cụ, mô tả những công việc đồng án của người nông dân.
Ông Nguyễn Thế, Phó phòng VHTT huyện Phong Điền, T-T Huế cho biết: “Tôi thấy duy trì thư viện làng là 1 việc làm cần thiết để phát triển nông thôn Việt Nam,, đặc biệt trong công cuộc xây dựng làng văn hoá hiện nay”.
Có thể nói, thư viện làng Kế Môn thật sự trở thành một địa chỉ văn hoá tin cậy, góp phần nâng cao đời sống văn hoá ở cơ sở, rút ngắn khoản cách giữa nông thôn và thành thị.
(Theo VTV)
Các bài viết khác
|
|