Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 13.437
Truy cập trong tháng: 47.974
Truy cập trong năm: 1.135.867
Tổng lượt truy cập: 6.328.245
Lượt truy cập hiện tại: 1.320

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Trường Pháp ở Việt Nam 1945 -1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa
Lượt đọc 4158Ngày cập nhật 10:32 31/01/2023

Trường Pháp ở Việt Nam 1945 -1975: Từ sứ mạng khai hoá đến ngoại giao văn hoá / Nguyễn Thuỵ Phương; Eric Jennings giới thiệu. - H. : Nxb. Hà Nội, 2022. - 345tr.; 24cm

 

          Cuốn sách, bắt nguồn từ luận án tiến sỹ của tác giả, đã hoàn thành vai trò của mình là làm sống lại thiên truyện về nền giáo dục Pháp tại Việt Nam trong ba thập niên bản lề của lịch sử đất nước, 1945-1975.

          Tại Tây Âu, và đặc biệt ở Pháp, đây là thời kỳ chứng kiến sự phát triển thần kỳ của kinh tế mà người ta gọi là ba mươi năm vẻ vang. Ngược lại, ở Việt Nam, giai đoạn 1945-1975 chứng kiến hai cuộc kháng chiến liên tiếp. Thế nhưng, bằng cách phân tích tinh tế của tác giả, bạn đọc sẽ phát hiện ra hơn cả một đất nước trong cơn bão táp. Công trình của Thụy Phương làm sáng tỏ những số phận, những tuổi thơ, những khám phá và những phát kiến mới về bản sắc, và cả những lập trường phức tạp, thường trái chiều, so với những gì mà độc giả có thể mong đợi. Cuốn sách mở ra một thế giới phổ quát và đứt gãy, những tuổi thơ di trú từ Bắc vào Nam, rồi ra ngoại quốc, những đường đời zigzag. Chúng ta có thể nghĩ rằng thế giới đó đã biến mất nếu như nó không để lại dấu ấn sâu đậm lên nhiều thế hệ và nhất là nó vẫn còn thời sự trong thế giới đầy biến chuyển ngày nay.

          Cần phải công nhận ngay rằng những nếp nghĩ khuôn sáo liên quan đến giáo dục Pháp ở Việt Nam là rất phổ biến. Các trường Trung học Marie-Curie, Albert-Sarraut, Yersin và Chasseloup-Laubat đều đạt được danh tiếng gần như một thứ huyền thoại, những tiểu thuyết của Marguerite Duras đã góp phần đưa Chasseloup-Laubat thành một huyền thoại như thế. Tuy nhiên, chúng ta thực sự biết gì về những ngôi trường này? Số phận của chúng ra sao sau trận Điện Biên Phủ năm 1954, khi tiếng chuông báo tử cho sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương vang lên?

         Một trong nhiều điểm giá trị trong công trình đầy sức thuyết phục của Thụy Phương là soi tỏ những nẻo đường khác nhau của những ngôi trường này và rất nhiều ngôi trường khác bằng cách lồng nó vào bối cảnh đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc. Tác giả phân tích sự đánh cuộc không thể tin nổi của người Pháp nhằm duy trì sự tồn tại của Trung học Albert-Sarraut tại miền Bắc Việt Nam trong những năm 1954-1965.

Sở dĩ Nguyễn Thụy Phương thành công trước thách thức đó là bởi khả năng phân tích sử học nghiêm cẩn. Rất nhiều lời chứng được thu thập ở Pháp và Việt Nam giúp chúng ta như thâm nhập thực sự vào thế giới học đường, phát hiện ra các mật mã, ngôn ngữ, những ước vọng và lo âu của nó. Lời chứng cũng kể lại những mối quan hệ giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên. Nó tái dựng những mạng lưới, hệ giá trị, biến chuyển tư tưởng, những thú vui giải trí, thậm chí cả những bộ phim mà học sinh thời đó chuộng xem. Ngoài những cuộc phỏng vấn trực tiếp và bảng hỏi, tác giả cũng tra cứu các tập san và ấn phẩm định kỳ cùng với các nguồn lưu trữ thuộc địa và ngoại giao. Vì vậy, những phân tích sử học, mang những điểm nhìn phong phú, khi thì văn hóa, khi thì thống kê, thực sự gây ấn tượng với độc giả. 

         Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975 đưa ra ánh sáng rất nhiều đường đời và nhất là một sự quyết tâm phải thành công của giới tinh hoa Việt mới, thành công nhờ vào một hệ thống giáo dục kế thừa từ thời thuộc địa… Tuy nhiên, những hành trình đời cá nhân thì đầy xáo trộn. Bên ngoài lớp học, những cuộc mặc cả, tam giác quyền lực, tái phát minh nền thuộc địa Pháp hậu chiến và những cuộc thương lượng giáo dục Pháp-Mỹ và Pháp-Việt, tất cả, bằng cách thức của mình, đẽo tạc nên thế giới học đường. Chiếc kính lúp soi rọi vi mô đan xen với bức tranh đại cảnh, lịch sử thiết chế đan cài với chuyện kể cá nhân và gia đình sẽ đem lại cho độc giả những lý giải vừa lịch sử, vừa xã hội học, vừa sư phạm học.

          Hơn nữa, Nguyễn Thụy Phương cũng dựng nên câu chuyện hết sức bất ngờ về một sự “cất cánh” cuối cùng của Pháp. Tác giả chỉ ra vì sao sỹ số học sinh tăng gấp đôi từ năm 1948 đến năm 1953, trong thời gian diễn ra chiến cuộc Đông Dương. Trong khi ảnh hưởng của Pháp tại Đông Nam Á suy yếu trên phương diện chính trị và thiết chế thì ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp lại tăng lên. Trong ba thập niên 1945-1975, giáo dục Pháp đã thể nghiệm những “kỹ thuật mũi nhọn” của mình, liên tục nữ hóa và Việt hóa sỹ số học sinh và chạm đến những học sinh thuộc tầng lớp bình dân, ngay cả khi đa số học sinh thuộc diện “đặc quyền đặc lợi”. Tất cả thực tế này diễn ra trong bối cảnh sự hiện diện của Pháp lu mờ dần tại ba nước từng tạo nên Đông Dương thuộc Pháp trước đây.

         Đây thực sự là một công trình sử học công phu, nghiêm túc và tinh tế mà Nguyễn Thụy Phương dành tặng bạn đọc. Sự phong phú và đa dạng của những lời chứng từ các nhân chứng trong cuốn sách chắc chắn sẽ gây hứng thú cho những nhà sử học nghiên cứu về Việt Nam, về giáo dục, về lịch sử cộng đồng hải ngoại và về giải thực dân.

           Sách hiện có tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

 

Thanh Thu - Phòng BSBM giới thiệu
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày