Nghệ thuật diễn xướng độc đáo, đặc sắc
Việc “cập bến” UNESCO là cả một hành trình, trong đó quan trọng nhất chính là xây dựng hồ sơ để đệ trình.
Hình thành từ hơn 3 thế kỷ trước, ca Huế được xem là thú chơi tao nhã của các văn nhân tài tử, là loại hình nghệ thuật diễn xướng vô cùng độc đáo, đặc sắc. Hệ thống bài bản ca Huế được xây dựng trên 3 điệu chính là điệu Bắc, điệu Nam, điệu Nam Xuân và một số bài bản được thay đổi theo phong cách hát hơi dựng.
Ngày nay ca Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch, trở thành thương hiệu cuốn hút du khách trong và ngoài nước khi đến Huế thông qua loại hình ca Huế trên thuyền rồng sông Hương và ca Huế thính phòng.
Lâu nay có nhiều thông tin về việc xây dựng hồ sơ để trình UNESCO, nhưng đầu tháng 8.2024 việc này mới được chính thức khởi động khi Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh mời Viện Âm nhạc cùng phối hợp thực hiện.
Thời điểm ca Huế được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, đây là một trong những biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện qua việc đánh giá sức sống của di sản và chỉ ra những cách thức bảo vệ khác nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng những biện pháp và phân bổ nguồn lực bảo vệ thích hợp.
Việc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã cho thấy sự đánh giá cao đối với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học của ca Huế. Đây cũng là điều kiện cần thiết nếu di sản ca Huế xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào một trong các danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên để được UNESCO ghi danh, ca Huế cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sáng tỏ thêm những giá trị nổi bật đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại.
Thuận lợi trong quá trình lập hồ sơ
Không phải đến bây giờ việc chuẩn bị cho hành trình lập hồ sơ để trình cho UNESCO mới bắt đầu, trước đó các chuyên gia cũng đã lưu ý khá kỹ về vấn đề này. Trong đó, ngoài việc nghiên cứu cần chú trọng công tác kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển hệ thống các câu lạc bộ ca Huế, đưa ca Huế vào giảng dạy trong trường học; chính sách đãi ngộ nghệ nhân.
Và trong buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao vào đầu tháng 8.2024, các chuyên gia một lần nữa khẳng định với những gì hiện có, việc xây dựng một hồ sơ cho ca Huế ở thời điểm này là vô cùng thuận lợi.
TS Phạm Minh Hương - Viện trưởng Viện Âm nhạc - nói rằng, đơn vị cũng như cá nhân bà đã tiếp cận với ca Huế từ khá lâu. Trong đó, có việc vào tận Huế để sưu tầm các tư liệu liên quan đến ca Huế cũng như mời các nghệ nhân ra tận viện để thu âm, lưu trữ. Tất cả những tư liệu đó vô cùng quý giá trong quá trình phục vụ cho việc lập hồ sơ.
Bà Hương chỉ rõ, việc thuận lợi khi lập hồ sơ ở thời điểm này đó chính là nhận được sự ủng hộ và quyết tâm của địa phương, hơn nữa chính sự phát triển của ca Huế trong đời sống cộng đồng còn là minh chứng khách quan, rõ ràng. Cùng với đó, đội ngũ kế cận của loại hình nghệ thuật này cũng rất đông đảo, họ chủ động tiếp cận, phát huy rất tốt giá trị di sản mà cha ông để lại… “Ca Huế xứng đáng để xây dựng hồ sơ” - bà Hương nhấn mạnh.
Trong khi đó theo TS Phan Thuận Thảo (Học viện Âm nhạc Huế), quá trình lập hồ sơ việc sưu tầm tư liệu rất quan trọng. “Trong một số cuộc họp với các cơ quan chức năng tôi đã khẳng định rằng việc lập hồ sơ di sản cho ca Huế là trong tầm tay. Bởi ở đây chúng ta có đội ngũ nghệ nhân và chuyên gia, tư liệu âm thanh, tư liệu viết, tư liệu hình rất dày dặn có sự kế thừa lớp trước lớp sau, có sự lan tỏa ra với cộng đồng mà cụ thể đã đưa ca Huế vào trường học, cuộc thi sáng tác lời ca Huế…” - TS Thảo nhận định.
PHÚC ĐẠT