Người dân Cố đô phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương
Lượt đọc 201Ngày cập nhật 8:59 02/12/2024

Sáng nay 30/11, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, với 458/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ 95,62%. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Với người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV là dấu mốc lịch sử khi Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. 

Người dân Cố đô phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương -0
Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, mở ra vận hội mới cho vùng đất và con người ở Cố đô Huế.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, trong sáng 30/11, qua theo dõi thông tin kỳ họp của Quốc hội, người dân sinh sống ở các xã, phường thuộc TP Huế nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung rất phấn khởi khi các đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Huế.

Ông Nguyễn Văn Mạnh (ở phường Hương Long, TP Huế) cho biết: “Kỳ họp Quốc hội lần này được tôi và các đảng viên trong khu phố theo dõi sát sao. Ngoài những nội dung quan trọng của đất nước, chúng tôi rất quan tâm đến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương được Quốc hội đưa ra thảo luận trong kỳ họp này. Qua các kênh thông tin truyền thông, tôi được biết vào sáng nay, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tôi và người dân ở địa phương rất phấn khởi và tin rằng đây là thời điểm lịch sử để Huế phát triển hơn, nâng tầm vị thế và có nhiều khởi sắc hơn”.

Người dân Cố đô phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương -0
Từ ngày 1/1/2025, TP Huế sẽ trực thuộc Trung ương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 24 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Tổng số đồng bào dân tộc thiểu số có 56.906 người, chiếm tỷ lệ gần 5% so với dân số toàn tỉnh, bao gồm các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy và một số dân tộc khác. Ngoài người dân ở TP Huế, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rất phấn khởi, tự hào khi Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương vào sáng nay.

Người dân Cố đô phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương -0
Già làng A Viết Cầm bày tỏ sự phấn khởi sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Già làng A Viết Cầm (SN 1960, người dân tộc Tà Ôi ở thôn Tu Vay, xã Hồng Thái, huyện A Lưới) cho biết, những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp Đảng ủy, Bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương, người dân ở thôn bản đã nỗ lực lao động sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế. Nhờ thế nên đời sống vật chất và tinh thân của người dân ngày càng đổi thay. “Việc Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương vào sáng nay khiến bà con dân bản trong thôn rất vui và tự hào. Huế lên Trung ương thì chắc chắn sự đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ nhiều hơn, tốt hơn”, già làng A Viết Cầm chia sẻ.

Người dân Cố đô phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương -0
Điện Kiến Trung, một trong những di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế thu hút du khách.

Đặc biệt, vào ngày 22/7/2024, huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận thoát nghèo năm 2024, tạo tiền đề để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Người dân Cố đô phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương -0
Cảnh quan 2 bên bờ sông Hương được tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư chỉnh trang phục vụ khách du lịch.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, đến nay việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Huế đã xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển được các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 4.947,11 km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người dân Cố đô phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương -0
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày càng khởi sắc.

Theo đó, định hướng mô hình tổ chức đơn vị hành chính thành phố Huế sẽ là: Giai đoạn từ năm 2025 - 2030, thành phố Huế trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 quận (quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, thành lập quận Hương Thủy trên cơ sở thị xã Hương Thủy); 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện. Xây dựng đô thị Chân Mây (gồm khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng đến thị trấn Phú Lộc, các xã ven biển huyện Phú Lộc hiện hữu) đạt tiêu chí đô thị loại III.

Giai đoạn từ năm 2030 - 2045, thành phố Huế trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện gồm 4 quận (quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 1 thành phố (Chân Mây); 1 thị xã là Phong Điền và các huyện. Xây dựng huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thị xã.

Giai đoạn từ năm 2045 đến năm 2065, thành phố Huế trực thuộc Trung ương ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận là quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, quận Hương Thủy, quận Hương Trà; 1 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.

Anh Khoa

Theo Công an Nhân dân online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày