Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Là một mốc son, dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế.
Sức bật cho Huế phát triển và khai thác tiềm năng, thế mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Phương, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước.
Bên cạnh đó, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, ngay sau khi Quốc hội thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các bước tiếp theo sẽ tập trung vào việc triển khai các kế hoạch và hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này.
Cụ thể, tỉnh đã xây dựng một kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết với rất nhiều nội dung, công việc cần phải thực hiện. Song song đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc trung ương.
"Để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.
Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử. Là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố Xanh quốc gia", "Một điểm đến - 8 di sản",... do đó, thách thức này luôn được quan tâm chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững", ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Biến thách thức thành động lực phát triển
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương, Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu, cần phát triển Huế theo hướng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện, cởi mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế theo hướng "bảo tồn đi liền với phát triển". Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững.
Ngoài ra, sẽ khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ. Ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.
Đưa ngành du lịch trở thành trụ cột kinh tế
Đối với du lịch, để đưa ngành này trở thành trụ cột kinh tế và đạt được bước tăng trưởng đột phá, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra một số chiến lược cụ thể, như: Đầu tư hạ tầng du lịch bằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ hỗ trợ khác để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Đặc biệt ưu tiên nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch chính.
Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng từ du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng đến du lịch nghỉ dưỡng. Các tour trải nghiệm, khám phá di sản văn hóa và thiên nhiên sẽ được chú trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Các hoạt động quảng bá du lịch sẽ được tăng cường thông qua các kênh truyền thông xã hội, sự kiện quốc tế và các hội chợ du lịch. Địa phương sẽ xây dựng thương hiệu du lịch Huế một cách đồng bộ và chuyên nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích hợp tác công tư (PPP) để tạo cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực du lịch, bao gồm xây dựng cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ du lịch khác. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, từ quản lý đến hướng dẫn viên, đảm bảo chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách. Thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội để thu hút du khách, tạo điểm nhấn và tăng sức hấp dẫn cho du lịch Huế.
Cùng với các giải pháp kể trên, tỉnh sẽ khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân tham gia vào hoạt động du lịch để không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn bảo tồn văn hóa địa phương. Tăng cường an ninh, đảm bảo môi trường du lịch an toàn và thân thiện, tạo cảm giác yên tâm cho du khách khi đến thăm Huế.
"Những chiến lược này sẽ được triển khai đồng bộ nhằm tạo ra sự đột phá cho ngành du lịch của Huế, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và hiệu quả", ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Lê Chung