Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
“Đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam
Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm; vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc của dân tộc, có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản riêng có của Huế); là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế. Đây là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù thành phố trực thuộc trung ương có tính chất “Đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.
Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá của đất nước, Bộ Chính trị, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, văn bản quan trọng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử hình thành và phát triển
Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, văn bản của Trung ương, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đô thị trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô.
Chia sẻ về quá trình nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thừa Thiên Huế, đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương là quá trình nỗ lực phấn đấu lâu dài từ những năm 1996. Quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đồng hành. Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương đã đạt được nhiều thành quả hết sức quan trọng. Cụ thể: tỉnh đã xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển được các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước.
Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Đại biểu Lê Trường Lưu nhấn mạnh, với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa, mật độ cao, đô thị nén, giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển sẽ tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của trung tâm y tế, văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ của vùng và cả nước.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thành phố Huế xứng tầm..", đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế: Trách nhiệm lớn còn ở phía trước
Đánh giá cao những nỗ lực mà cán bộ và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sau gần 5 năm quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến vượt bậc, có nhiều đột phá quan trọng về kết cấu hạ tầng cũng như diện mạo đô thị. Đồng thời, công tác bảo tồn di tích, di sản tại địa phương được thực hiện rất tốt; nhiều công trình di tích đã được phục hồi, tôn tạo. Kết quả này cho thấy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết rất hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Bày tỏ vui mừng khi Quốc hội thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ tạo sự chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, tạo động lực phát triển mới cho địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Nhấn mạnh thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, đại biểu Nguyễn Hải Anh kỳ vọng, địa phương sẽ tiếp tục chú trọng việc gắn việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm với thực hiện chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; tăng cường các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển văn hóa. Đồng thời, có giải pháp để nâng tầm, phát triển ngành du lịch lên vị thế mới để thành phố Huế sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa và du lịch.
Các vị đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh những tác động tích cực, đại biểu Nguyễn Hải Anh nhận định, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Do đó, đại biểu mong muốn thành phố Huế tiếp tục quan tâm chăm lo, làm tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Quốc hội thông qua thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỉ lệ tán thành rất cao (95,62%)
Lưu ý Huế là địa phương nằm ở khu vực trọng điểm thiên tai của đất nước, trước những tác động ngày càng phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, thành phố Huế cần đặc biệt chú trọng để các nội dung phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu được lồng ghép trong chiến lược phát triển của Huế, trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xây dựng cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, sẵn sàng trước mọi tình huống.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Dẫn lại câu nói của Vua Minh Mạng năm Mậu Tý về Huế, “Đó là trời đất đặt ra để làm chỗ cho Liệt thánh ta đóng đô mà để lại cho con cháu đến ức muôn năm sau vậy”, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhấn mạnh, văn hóa Huế tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo với nội dung, được thể hiện rất giàu có trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, lề lối ứng xử, ăn, mặc, ở, phong cách giao tiếp, phong cách sống. Bên cạnh đó, kiến trúc của Huế phong phú và đa dạng, có kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian, kiến trúc tôn giáo và kiến trúc đền miếu, kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại.
Đại biểu bày tỏ kỳ vọng, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị di sản của cố đô. “Đây là nguồn tài sản vô giá về vật chất và tinh thần của cha ông để lại mà Huế đã may mắn được hưởng; phải gìn giữ cho được bản sắc văn hóa Huế, một bản sắc rất độc đáo, riêng có, nồng nàn và thanh cao, là kết tụ của văn hóa dân tộc Việt Nam, hòa quyện và chắt lọc; xây dựng cho Huế thành thành phố Festival tầm cỡ thế giới và phải bảo vệ để Huế thực sự xanh, luôn sạch, mãi xinh đẹp; ..”, đại biểu nhấn mạnh.