Từ ngày 22/6 đến ngày 21/7, du khách tham quan điện Kiến Trung sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm cổ vật, hiện vật ở triển lãm với “Cổ vật hội tụ”.
Triển lãm này nằm trong khuôn khổ hoạt động của Festival Huế 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Cổ vật TP Hồ Chí Minh cùng một số nhà sưu tầm trong cả nước tổ chức.
Đây là hoạt động nhằm tạo lập những hoạt động gắn với các thú chơi truyền thống lâu đời trong nhân gian, đồng thời tạo nên trải nghiệm mới cho người dân, du khách trong không gian di sản.
Súng thần công có niên đại vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là khẩu thứ 256 trong 300 khẩu súng thần công được đúc thời Minh Mạng, mệnh danh là Vũ Công Tướng Quân. Súng thần công được các ngư dân phát hiện, trục vớt tại vùng biển Thuận An (TP Huế).
Với sự tham gia của 29 nhà sưu tập cổ vật trong nước, triển lãm “Cổ vật hội tụ” theo chủ đề chung đưa ra thuộc thời Nguyễn đã giới thiệu 147 cổ vật, hiện vật được lựa chọn theo các sưu tập thuộc các nhóm chất liệu như đồ pháp lam, đồ gốm sứ, đồ kim loại quý, đồ gỗ.
Đây là các cổ vật, hiện vật được chế tác dưới thời Nguyễn, được sử dụng trong cung đình lẫn dân gian, do các tượng cục của triều đình chế tác, do các cơ sở sản xuất trong nước thực hiện như đồ gốm Cây Mai, đồ gỗ… hoặc được đặt hàng, được mua từ nước ngoài để sử dụng ở hoàng cung lẫn dân gian như một số đồ pháp lam, đồ sứ…
Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong không gian cổ kính, lộng lẫy của điện Kiến Trung ở Hoàng Thành Huế, “Cổ vật hội tụ” hy vọng sẽ là không gian giao lưu, triển lãm để các nhà sưu tập, các bảo tàng, các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu thêm về một chủ đề vô cùng hấp dẫn, đa dạng và mang tính đặc thù cao. Đây là nơi để du khách có những khoảnh khắc ấn tượng khi tham quan Hoàng Thành Huế.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 147 cổ vật, hiện vật.
Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm này, ông Lê Thanh Nghĩa - Chủ tịch Hội Cổ vật TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Huế là vùng đất kinh đô của triều Nguyễn. Vì vậy, số lượng cổ vật của triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ rất nhiều trong các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân. Nguồn cổ vật này nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà sưu tầm cổ vật. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những cuộc triển lãm tương tự để các nhà sưu tập tư nhân có cơ hội giới thiệu bộ sưu tập của mình đến công chúng”.
“Cổ vật hội tụ” có sự tham gia của 29 nhà sưu tập cổ vật. Sưu tầm cổ vật là một công việc đòi hỏi người chơi không chỉ xuất phát từ niềm đam mê, trân quí di sản, không chỉ phải có nguồn lực tài chính mà còn phải có kiến thức mới có thể theo đuổi đam mê của mình.
Chơi cổ vật là một thú chơi tao nhã, đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử, văn hóa và kiến thức đó phải thường xuyên được cập nhật, bổ sung.
Những cuộc triển lãm như thế này là dịp để các bảo tàng, các nhà sưu tầm cổ vật trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Công chúng chiêm ngưỡng các cổ vật.
Dĩa trà có niên đại thế kỷ XIX.
Nhiều cổ vật, hiện vật độc đáo ở triển lãm.
Hũ trang trí Long vân khế hội.
Bộ khay mứt.
Hộp lục giác có niên đại thế kỷ XIX, bên ngoài trang trí long vân, bên trong trang trí hoa lá.
Thẻ bài và sưu tập Đại Nam Long Bội Tinh.
Tô đồ sứ men trắng vẽ lam, vẽ cảnh chợ chiều trên sông và bài thơ Nôm.
Triển lãm tạo nên trải nghiệm mới cho người dân, du khách trong không gian di sản.
Cổ vật hội tụ trên đất Huế.
Du khách lưu lại những tấm ảnh về cổ vật triều Nguyễn.
Triển lãm diễn ra trong không gian cổ kính ở ngôi điện Kiến Trung vừa được phục dựng.
Nguyễn Hiệp