Quan tâm đến bảo tồn di sản
Với nhiều người làm trong lĩnh vực văn hóa ở Huế, khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ai cũng nhớ ngay đến chuyến thăm và làm việc tại tỉnh cách đây hơn 10 năm, vào tháng 3.2014.
Sau khi thăm và làm việc ở nhiều nơi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành thời gian vào tham quan Đại Nội Huế - một phần trong quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Nhắc đến chuyến thăm này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh - không khỏi xúc động. Thời điểm đó, ông Hải đang làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và vinh dự được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ đón tiếp, giới thiệu cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác cấp cao của Đảng đến thăm Đại Nội Huế.
Ông Hải nhớ như in, đó là một chiều muộn, dù mưa lớn nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác vẫn đến thăm Hoàng cung Huế đúng lịch.
“Khi thăm điện Thái Hòa và các cung điện bên trong Tử Cấm thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe chúng tôi giới thiệu rất chăm chú, đồng thời luôn đưa ra những nhận xét ngắn gọn nhưng rất chuẩn xác về giá trị, ý nghĩa sâu sắc cũng như sự kết nối, kế thừa của di sản văn hóa thời Nguyễn trong dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc” - ông Hải nhớ lại.
Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đã đến dâng hương các bậc tiền nhân và nghe giới thiệu về công trình Thế Tổ Miếu. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa cố đô cần phải không ngừng học tập phấn đấu để nâng cao trình độ kiến thức, bồi đắp tình yêu, sự tâm huyết đối với các di sản vô giá của dân tộc.
Định hướng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương
Cũng trong chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng, quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tiềm năng, thế mạnh, dư địa đổi mới, phát triển của Thừa Thiên Huế còn nhiều.
Muốn hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có hệ thống giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để tháo gỡ cho được những khó khăn, vướng mắc, nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực.
Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế cần xác định rõ các tiêu chí, từ đó có chương trình, đề án phù hợp và quan trọng là biến các chương trình, đề án đó thành hiện thực.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, Thừa Thiên Huế phải khai thác mọi nguồn lực để phát triển, đó là nguồn lực tại chỗ, nguồn lực trong dân, từ các thành phần kinh tế, kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, mở rộng liên kết với các địa phương xung quanh.
Sau chuyến thăm và làm việc với Thừa Thiên Huế năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo 175-TB/TW ngày 1.8.2014 thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.
Đúng 5 năm sau, đồng chí Tổng Bí thư chủ trì một phiên làm việc đặc biệt của Bộ Chính trị với tỉnh Thừa Thiên Huế để tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, rồi sau đó ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Dành nhiều tình cảm với đồng bào vùng cao
Ngày 17.3.2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác đến thăm xã Hồng Hạ, xã khó khăn thuộc huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Hồ Viết Lương - Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ (khi đó là Bí thư Đảng ủy xã) - nhớ lại, biết tin Tổng Bí thư đến thăm và làm việc tại xã, bà con vô cùng phấn khởi. Nhân dân trong xã ai nấy đều mong chờ để chờ được gặp Tổng Bí thư.
Xã Hồng Hạ khi đó là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh, toàn xã chỉ có 386 hộ với 1.632 nhân khẩu sống ở 5 thôn bản, với 5 dân tộc là Cơ Tu, Pa Cô, Pahy, Tà Ôi và Kinh, cùng sinh sống.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng cho đồng bào Cơ Tu Hồng Hạ một Nhà Gươl truyền thống với kinh phí 7,4 tỉ đồng và cây cầu Ưng Hoong 13 tỉ đồng.
Theo ông Lương, từ khi có cây cầu Ưng Hoong, việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là vào mùa mưa bão. Nhờ cây cầu góp phần thúc đẩy việc phát triển chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt của người dân trên địa bàn xã.
PHÚC ĐẠT - NGỌC MINH