|
Cố vấn Vĩnh Thụy (1945 – 1947) qua hồi ức và tư liệu từ nhiều phía Lượt đọc 426Ngày cập nhật 2:42 18/11/2024
Cố vấn Vĩnh Thụy (1945 – 1947) qua hồi ức và tư liệu từ nhiều phía / Nguyễn Đắc Xuân. – Huế. : Thuận Hóa, 2020. – 133tr. : ảnh ; 19cm
Bảo Đại - ông vua cuối cùng của chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, tên thật là Vĩnh Thụy, sinh năm 1913. Đời tư và đời công của ông là đề tài của biết bao sách báo đề cập đến trong hơn nửa thế kỷ qua. Ông là người do thực dân Pháp đào tạo và từng làm ông vua bù nhìn cho thực dân Pháp rồi đứng đầu chính phủ thân Nhật. Báo chí sách vở của những người yêu nước và cách mạng Việt Nam đã liệt ông vào loại “Việt gian bán nước”. Đối với báo chí của Pháp (tả và hữu) cũng không tha ông, họ xem ông như một tên phản bội nước Pháp, một tên vua nhu nhược, chỉ biết chơi bời, bài bạc mà thôi. Bảo Đại trao quyền cho Ngô Đình Diệm để Diệm rộng đường làm tay sai cho Mỹ, khi nắm được quyền rồi, Diệm lại tổ chức “trưng cầu dân ý” hạ bệ ông, làm cho ông tức muốn điên lên. Ông là người Hoàng tộc thế mà con cháu của các vua Hàm Nghi, vua Duy Tân của Hoàng tộc cũng ngại trong quan hệ với ông suốt những năm ông lưu vong tại Pháp. Nhưng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, do hoàn cảnh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo Đại đã kịp thời xin thoái vị, trao quyền lãnh đạo quốc gia cho Chính quyền Cách mạng và nhận lời ra Hà Nội làm Cố vấn cho Chính phủ cách mạng lâm thời tạo nên một sự kiện cũng mang tính lịch sử. Nhưng vì cuộc đời của Bảo Đại trước và sau sự kiện ấy không được lòng dân nên người ta muốn xóa luôn “cái thành tích” của Bảo Đại đã đóng góp với Cách mạng tháng Tám/1945. Đến nay tất cả chuyện của triều Nguyễn, chuyện của Bảo Đại đã thuộc về thế kỷ trước, Bảo Đại đã qua đời nhiều năm, không còn bất cứ một hiện thân chính trị nào của Bảo Đại trên cõi đời này. Tuy nhiên, khi viết về sự chấm dứt của chế độ quân chủ ở Việt Nam và Cách mạng tháng Tám/1945 thành công, chúng ta không thể không đề cập đến việc thoái vị của Bảo Đại.
Cách mạng tháng Tám ở Huế thành công và sự thoái vị của Bảo Đại là một công trình nghiên cứu lớn. Trong cuốn sách nhỏ này tác giả Nguyễn Đắc Xuân chỉ điểm lại những nội dung trên qua một số hồi ký, tư liệu đã công bố của những người trong cuộc, những người cùng thời từ nhiều phía, kế cả Bảo Đại. Và, vì “từ nhiều phía” nên các quan điểm không giống nhau và nhiều thông tin được giới thiệu có thể chưa đúng với sự thật lịch sử, đôi khi chưa đúng với chính cuộc đời của các tác giả hồi ký. Nhưng qua những gì khác nhau đó độc giả có thế tìm thấy đâu là sự thật.
Cuốn sách hiện có tại Thư viện Tổng hợp Tỉnh Thừa Thiên Huế. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Lê Thị Như Ý Các bài viết khác
|
|