Chuyển đổi số thư viện - Xây dựng lộ trình cụ thể, bài bản Cơ hội để ngành thư viện làm tròn sứ mệnh
Lượt đọc 6662Ngày cập nhật 4:43 08/10/2021

“Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11.2.2021 đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, là cơ hội cho ngành thư viện thực hiện sứ mệnh phục vụ độc giả thời kỳ mới. Tuy nhiên, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc hội Lê Hoàng Anh, một số mục tiêu của Chương trình khó có thể thực hiện nếu không xem xét một cách thấu đáo.

 

Chuyển đổi số thư viện thành công cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để kết nối, liên thông, chia sẻ, dùng chung dữ liệu số

Tránh lãng phí tài nguyên

Mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác, sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, để thực hiện mục tiêu này cần có nguồn lực, ở đây là nguồn lực đầu tư công. Mặc dù Quốc hội đã ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, song các bộ, ngành quan tâm dành nguồn đầu tư công này cho chuyển đổi số thư viện như thế nào. Lấy ví dụ, Thư viện Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các thư viện công cộng tỉnh tại các địa phương; các thư viện thuộc bộ, ngành… phải được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là một vấn đề cần lưu ý, vì nếu không có chương trình đầu tư có mục tiêu của Chính phủ nói chung mà vẫn thực hiện kiểu bộ ngành nào theo bộ ngành đó sẽ là rất khó. Không phải bộ, ngành, địa phương nào cũng ưu tiên đầu tư cho thư viện, trong khi đó còn nhiều ưu tiên khác mà nguồn lực thì có hạn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nguồn thu cho ngân sách.

Hơn nữa, để chuyển đổi số thư viện thành công phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên là tiêu chuẩn kỹ thuật để kết nối, liên thông, chia sẻ, dùng chung dữ liệu số, tài liệu số, sách số… Được biết, về tổ chức thực hiện, công việc này giao Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, nghĩa là kế hoạch đi sau việc hoàn thành cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống, sẽ là lãng phí nếu mỗi thư viện đi theo một chuẩn của riêng mình khi thực hiện chuyển đổi số (như tình trạng loạn ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ phòng, chống Covid hiện nay), trong khi Quốc hội đang thực hiện giám sát tối cao thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Thứ hai, Chương trình nêu rõ mục tiêu số hóa các cơ sở dữ liệu, nhưng để làm được việc này liên quan đến vấn đề bản quyền, cần nghiên cứu sao cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cho phép các thư viện được số hóa vốn tài liệu của thư viện phục vụ cộng đồng không vì mục đích thương mại.

Thêm một lưu ý, hiện nay các thư viện nói chung nguồn nhân lực rất mỏng, hầu như không có nhân lực về CNTT, trong khi chúng ta đang chỉ đạo số hóa/chuyển đổi số thư viện. Do đó, đây cần được xem là một ưu tiên trong xây dựng vị trí việc làm trong thư viện. Phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, nếu không quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, vì hiện nay đa phần các thư viện chỉ đầu tư cơ sở vật chất mà ít quan tâm vấn đề này.

Nhìn từ Thư viện Quốc hội

Vấn đề sử dụng vốn đầu tư công, lên kế hoạch chuyển đổi số, sử dụng nhân lực… trong chuyển đổi số đã được Thư viện Quốc hội thực hiện có hiệu quả thời gian qua. Có thể khái quát vấn đề này sau đây:

Trước khi có Quyết định số 206 của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo VPQH đã đồng ý chủ trương xây dựng dự án hiện đại hóa, tự động hóa để nâng cao chất lượng của hoạt động nghiên cứu cung cấp thông tin của Thư viện Quốc hội phục vụ ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội. Bởi trong đó có số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa thư viện. Mục đích của chủ trương này giúp ĐBQH ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể truy cập sử dụng dữ liệu, tài liệu; kết nối với các thư viện trong nước, hệ thống thư viện nghị viện thế giới.

Thư viện Quốc hội bên cạnh chức năng như các thư viện thông thường là xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện như sách, báo, tạp chí, ấn phẩm, tài liệu còn có chức năng giống như hệ thống thư viện nghị viện nhiều nước trên thế giới, mang tính đặc thù cao. Đó là nhiệm vụ tổ chức hoạt động cung cấp thông tin hỗ trợ hoạt động của ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội. Với đòi hỏi đổi mới ngày càng cao của hoạt động lập pháp, có thể nói, Thư viện Quốc hội đã và đang là một trong những đơn vị đi đầu trong Văn phòng Quốc hội về ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn. Các phần mềm và hệ thống CNTT của Thư viện Quốc hội được trang bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu hiện nay và thường xuyên được nâng cấp.

Hiện tại, Thư viện Quốc hội đang quản trị và vận hành Trang tin điện tử Thư viện Quốc hội và các phần mềm thư viện, cung cấp thông tin trực tuyến hỗ trợ ĐBQH, cụ thể như: Hệ thống thư viện truyền thống, thư viện số; phần mềm tìm kiếm tập trung; phần mềm mượn trả tài liệu số; trang lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, pháp lệnh; hệ thống cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Chương trình chuyển đổi số trong ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc hội đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số thư viện; Xây dựng Đề án hiện đại hóa, tự động hóa những hoạt động cơ bản của Thư viện; tăng cường khai thác, chia sẻ nguồn dữ liệu số với các cơ quan bên ngoài Văn phòng Quốc hội.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Thư viện Quốc hội, theo đó, Thư viện tập trung vào công tác số hóa và xây dựng kho tài liệu số nhằm mục tiêu xây dựng Thư viện số đầy đủ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tham khảo của bạn đọc và tiết kiệm chi phí. Tổ chức hiện đại hóa việc quản lý các ấn phẩm, tài liệu của Thư viện bằng mã số, mã vạch, dán chỉ từ và cổng từ bảo vệ các ấn phẩm; tổ chức hiện đại hóa việc quản lý bạn đọc thông qua hệ thống thẻ thư viện thông minh và các thiết bị hỗ trợ mượn trả tự động.

Thư viện Quốc hội đang ngày càng hiện đại hóa, tự động hóa, có nhiều kết quả trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nghiên cứu, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, các ĐBQH.

 
Hương Sen ghi

 

Theo Người đại biểu nhân dân online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày