Tìm kiếm tin tức
KHO ĐỊA CHÍ - nơi lưu giữ nhiều tài liệu quý có giá trị về địa chí , địa phương
Lượt đọc 9070Ngày cập nhật 5:46 01/09/2021
Công tác địa chí là một hoạt động mang tính đặc thù của mỗi thư viện công cộng cấp tỉnh. Tài liệu địa chí đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hoá địa phương, góp phần bảo vệ và xây dựng nền văn  hoá Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc.    
 

Một trong những chức năng quan trọng của mỗi thư viện công cộng cấp tỉnh là sưu tầm, bổ sung và phát triển vốn tài liệu địa chí. Vốn tài liệu địa chí là nền tảng của hoạt động địa chí, đặc trưng nổi bật của tài liệu địa chí là tính khu vực, tính tổng hợp, tính khách quan, tính cô đọng, tính tư liệu, diện mạo - hình ảnh - nét độc đáo về sắc thái địa lý - lịch sử - dân tộc - kinh tế - chính trị - xã hội của từng địa phương, từng vùng được thể hiện rõ nét. Đã có nhận định cho rằng: Kho tài liệu Địa chí là “linh hồn” của hệ thống thư viện công cộng; là kho sách phân biệt rõ nhất sự khác biệt, đặc trưng giữa các thư viện công cộng; vì đó là nơi lưu trữ tất cả những tài liệu phản ánh về lịch sử tự nhiên và xã hội của mỗi địa phương từ cổ chí kim, liên kết lại thành một thể thống nhất, toàn vẹn nhằm cung cấp cho người đọc, người nghiên cứu một cách có hệ thống nguồn tin khi tìm hiểu về quê hương đất nước, con người…

 

(Kho sách Địa chí)

Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế được hình thành và phát triển ở Cố đô Huế - vùng đất có bề dày lịch sử, một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả nước. Vì thế, nhiệm vụ phải xây dựng thư viện tỉnh có vốn tài liệu phong phú, chất lượng và đa dạng nhằm đáp ứng nhu học tập, nghiện cứu của đông đảo bạn đọc là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, mảng tài liệu địa chí đã được thư viện đặc biệt chú trọng, bởi vốn tài liệu này là tài sản quý giá nhất, là tiềm lực, là sức mạnh của một Thư viện tỉnh.

Những năm qua, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã cố gắng trong việc nghiên cứu sưu tầm tài liệu địa chí quý hiếm và đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Kho Địa chí của Thư viện hiện có hơn 6565 đầu tài liệu các loại. Trong đó có nhiều tư liệu quí nghiên cứu về văn hoá Chămpa, triều đại nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc, phong tục tập quán, đặc trưng văn hóa vùng miền... Tài liệu chủ yếu được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và một số tài liệu bản sao chụp nguyên văn chữ Hán Nôm. Có thể chia thành các mảng sau:

  1.Vốn tài liệu về triều đại nhà Nguyễn: (1802 - 1945)

Tại phòng Địa chí tài liệu nghiên cứu về triều Nguyễn chủ yếu là sách được tái bản và xuất bản mới. Một số bộ sách quí tiêu biểu do Quốc Sử Quán triều Nguyễn và Nội Các triều Nguyễn biên soạn như: Bộ Đại nam thực lục chính biên (36 tập), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (15 tập), Đại Nam nhất thống chí (5 tập), Đại Nam liệt truyện (4 tập), Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long, 4 tập), Minh Mệnh chính yếu (2 tập), Trịnh - Nguyễn diễn chí, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đăng khoa lục, Mục lục châu bản triều Nguyễn, Đại Nam điển lệ toát yếu, Quốc triều Hương khoa lục...Tài liệu được viết bằng tiếng Việt.

(Bộ BAVH bản gốc quý hiếm )

  2.Vốn tài liệu thời Pháp thuộc gồm:

  + Bộ tập san “Những người bạn của Cố đô Huế” - Bulletin des Amis du vieux Hue (BAVH) 1914 - 1944, do ông Cadiere làm chủ bút. Tập san này như một bộ bách khoa toàn thư về Huế xưa, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá truyền thống Huế. Phạm vi xuất bản của BAVH không được rộng rãi lắm, thời điểm xuất bản cao nhất của BAVH là năm 1925 chỉ trên dưới 600 bản, trong đó 100 bản phải gửi cho chính quyền. Chính vì thế mà hiện nay BAVH rất hiếm có trong tủ sách của tư nhân, các thư viện lớn ở Hà Nội, Sài Gòn cũng không có trọn bộ. Thư viện Thừa Thiên Huế còn lưu giữ được 50 tập bản gốc và 191 bản photocopy.

  + Bộ tập san “Trường Viễn Đông Bác Cổ” - Bulletin de L’ecole Francaise d’extrême - Orient (BEFEO) 1901- 1998. Là tập san nghiên cứu về lịch sử, chính trị, ngôn ngữ học, dân tộc học, khảo cổ... của các nước thuộc bán đảo Đông Dương và các nước nằm trong khu vực Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. Những công trình nghiên cứu liên quan đến Huế của các tác giả Madelein Colani, Cadiere, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế Bính... ngày nay vẫn được sử dụng trong giới nghiên cứu và vẫn là tài liệu tin cậy được dùng nhiều trong nghiên cứu lịch sử và văn hoá vùng đất Cố đô. Toàn bộ có 174 cuốn.

 

  + Bộ tập san “Nghiên cứu Đông Dương” - Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (BSEI) 1897- 1975: Nghiên cứu về lịch sử, tôn giáo, chính trị và các vấn đề xã hội của Đông Dương và Việt Nam. Đặc biệt là các bài nghiên cứ về triều Nguyễn, về tín ngưỡng Phật giáo và nghi lễ truyền thống ở Huế của các tác giả Berquer, Cadière, Coué, Daudin, Verdeille, Trần Văn Toàn, Vương Hồng Sển...gồm có 129 cuốn.

  + Bộ tập san “Nghiên cứu về Chăm Pa”: Sưu tập toàn bộ sách, bài viết về lịch sử văn hoá Chăm pa có ở Việt Nam xuất bản từ 1901 đến nay. Bộ sưu tập gồm 2 phần: Phần tiếng Việt (24 cuốn) và phần tiếng Pháp (9 cuốn).

 

(Tập san nghiên cứu Chăm - pa)

  3. Sách, báo tạp chí miền Nam xuất bản trước năm 1975:

  Đây là nguồn tài liệu xuất bản trước năm 1975 mà thư viện được tiếp nhận lưu trữ, bảo quản. Trong tổng số 8760 bản sách, và trên 100 loại báo và tạp chí thuộc kho sách hạn chế; Thư viện đã xử lý nghiệp vụ, chọn lọc những tài liệu có liên quan đến địa phương để đưa vào kho Địa chí. Tiêu biểu là những bộ sách như: Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Lịch triều hiến chương loại chí, Nhu Viễn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Việt Nam ngoại giao sử, Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật, Việt Pháp bang giao sử lược (từ TK17- TK20), Việt Nam Pháp thuộc sử (1862-1945), Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908, Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Dực Tông hoàng đế - Vua Tự Đức viết), Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca, Tự Đức thánh chế tam tập...

Tạp chí miền Nam xuất bản trước năm 1954 như: Bách Khoa, Đại học, Phổ thông, Nghiên cứu lịch sử, Văn hoá nguyệt san, tập san Sử-Địa, Liễu Quán... là những tập san tập hợp nhiều bài viết giá trị nghiên cứu về Huế. Các loại tạp chí được sắp xếp theo ký hiệu tên báo và thời gian xuất bản.

  4. Tài liệu  Hán – Nôm:

Ngoài hơn 300.000 trang tài liệu Hán - Nôm được sưu tầm số hóa từ năm 2009 đến nay đang lưu trữ và phục vụ một phần trên hệ thống mạng, máy tính của Thư viện; Hiện tại Kho Địa chí còn lưu trữ gần 50 loại tài liệu có giá trị được sưu tầm bản gốc hoặc phục chế qua quá trình số hóa, gần 100 bản sắc phong, chế phong, chiếu chỉ các triều đại được phục chế, in sao phục vụ trưng bày, triển lãm, và nghiên cứu.

Những tư liệu viết bằng tay và các bản đánh máy cũng là vốn tài liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu: Vua Hàm Nghi với việc Kinh thành Huế thất thủ - Nhật Nam thư ký, xuất bản năm 1935 (bản chép tay); Kinh thành yếu mệnh - P.Derpiey (Bản in ronéo); Các bản chép tay trích dịch từ BAVH; Kinh thành kỳ diệu - Cadiere (bản đánh máy); Các lâu đài ở Huế - Laborde (bản đánh máy); Thanh kiếm vua Gia Long (bản đánh máy)...

5. Tài liệu Luận văn Luận án

Cùng với sự cố gắng nỗ lực của mình, sự quan tâm tạo điều kiện của Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, của Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện  KHTH Thành phố Hồ Chí Minh;  Từ 2018 đến nay Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã in sao được gần 200 bản Luận án Tiến sĩ nghiên cứu về hoặc có liên quan đến Thừa Thiên Huế. Cùng với đó, qua nhiều năm phối hợp với Đại học Huế, Trung tâm học liệu Huế Thư viện đã bổ sung được 725 bản Luận văn Thạc sĩ nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực được nhập về kho Địa chí, xử lý nghiệp vụ và sẵn sàng phục vụ bạn đọc. Đây là nguồn tài liệu rất quý có giá trị phục vụ cao, được nhiều bạn đọc quan tâm sử dụng.

 

 

 

 

 

 

 

Cũng sẽ là thiếu sót nếu không kể đến một dạng tài liệu hết sức đặc trưng tại kho tài liệu này đó là các dạng, loại Thư mục. Đây là một sản phẩm thông tin thư mục được bao thế hệ người làm công tác thư viện chắt chiu để sưu tầm, biên soạn, lưu trữ, bảo quản cho đến bây giờ. Số lượng thư mục này được biên soạn là hết sức đồ sộ với hơn 200 bản thư mục, nội dung lên đến hàng trăm nghìn trang. Những thư mục này là tài liệu tra cứu tổng hợp về các danh nhân, sự kiện, lễ hội ... như: “Lễ hội cung đình triều Nguyễn”, “Bác Hồ với quê hương Thừa Thiên Huế”; ”Di sản Hán - Nôm Thừa Thiên Huế”, “ Thư mục “Hội đồng Nhân dân Thừa Thiên Huế qua các nhiệm kỳ”   Thư mục “Thừa Thiên Huế hướng đến năm Du lịch Quốc gia - Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012”; "Đại tướng Nguyễn chí Thanh - con người và sự nghiệp "; "Festival Huế qua các thời kỳ"....

 

 

 

Và rất nhiều những tài liệu có giá trị về địa chí địa phương mà trong khuôn khổ bài viết này chưa thể giới thiệu hết được. Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến quý độc giả trong những chuyên đề tiếp theo. Rất mong được phục vụ bạn đọc tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế.

 

* (Bài viết này Phòng Thư mục Địa chí có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp).

 

 

Phòng Thư mục Địa chí
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày  

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 11.079
Truy cập trong tháng: 45.616
Truy cập trong năm: 1.133.509
Tổng lượt truy cập: 6.325.887
Lượt truy cập hiện tại: 343