Bảo tàng Khải Định vốn là một điện cũ có tên là Điện Long An. Sau triều đình giao cho Quốc Tử Giám dùng làm nơi lưu trữ tài liệu, được gọi là Tân Thơ Viện. Đến thời vua Duy Tân, Tân Thơ Viện được giao cho Hội những người bạn cố đô Huế để làm trụ sở. Năm 1923, dưới thời Khải Định, Tân Thơ Viện được tổ chức thành một cơ quan có tên là Cổ Học Viện, chuyên lưu trữ và bảo tồn những hiện vật xưa nay trên khắp An Nam. Tân Thơ Viện này chính là Bảo tàng Khải định mà cuốn sách này đề cập đến.
Lo ngại trước tình trạng cổ vật An Nam bị chiếm đoạt, bán đổi và chuyển nhượng, làm giàu cho các bộ sưu tập của nước ngoài sau khi qua tay các phòng đấu giá ở châu Âu, Hội “Đô Thành Hiếu Cổ” đã nghĩ đến việc chống thất thoát cổ vật bằng cách tập hợp ở Tân Thơ Viện tất cả những gì gợi nhớ quá khứ đầy vẻ vang, những vẻ đẹp tráng lệ của cung điện xưa.
Đến với Bảo tàng Khải Định, bạn đọc sẽ được hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử, kiến trúc của Điện Long An, các cung điện, số phận của các cung điện, bộ sưu tập những cổ vật nghệ thuật và đồ gỗ được lưu giữ tại bảo tàng như: đồ vật thờ cúng, bếp lò đồng, đồ sứ thời Tống (960-1279), bình vôi, khay, gối, võng di chuyển, đòn ngang và khung mái của võng dịch chuyển…
Có thể nói, Bảo tàng Khải Định trước năm 1945 vốn được coi là một trong những bảo tàng sáng giá nhất Đông Dương, được nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều học hội trên thế giới biết đến. Sau nhiều lần đổi tên, ngày nay bảo tàng vẫn hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế với tên gọi: “Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” – nơi lưu giữ số lượng hiện vật khổng lồ của thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Nói như A. Sallet: “…nới đây mang lại cho chúng tôi sự phong phú về cảnh trí và sự thân cận khá huyền bí của cả một thời quá vãng hãy còn lưu lại trên những trang giấy được cất giữ nơi hệ thống tủ kệ lớn kia.”
Sách hiện có tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả!