Tìm kiếm tin tức
Điện Kiến Trung là ví dụ về sự trao truyền trong bảo tồn di sản ở Huế
Lượt đọc 106Ngày cập nhật 9:47 15/02/2024

Trong năm mới 2024 này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức khánh thành công trình điện Kiến Trung sau hơn 5 năm trùng tu với tổng kinh phí hơn 124 tỉ đồng.

 

Điện Kiến Trung là ví dụ về sự trao truyền trong bảo tồn di sản ở Huế
Điện Kiến Trung sau khi phục dựng. Ảnh: Nguyễn Trần Anh Phong

Đây là một sự kiện trọng đại, có nhiều ý nghĩa đối với công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phục dựng di sản ở Huế.

Bởi điện Kiến Trung không chỉ là một trong những công trình kiến trúc thời vua Khải Định mang tính tân - cổ điển. Và sau đó là “thể cách Tây phương” khi trở thành nơi sinh hoạt, làm việc của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cùng Nam Phương hoàng hậu.

Điện Kiến Trung còn là ngôi điện đầu tiên trong 30 năm, kể từ khi quần thể di tích Kinh thành Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng nguyên vẹn từ một đống hoang tàn đổ nát đúng nghĩa sau đúng 72 năm.

Còn nhớ hồi tháng 9.2023, trong chuyến thăm quần thể di tích cố đô Huế, trước thềm kỷ niệm 30 năm quần thể di tích này, di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO - đã có những nhận xét rất xác đáng. Rằng di sản cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử. Công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Công tác trùng tu di tích được tiến hành chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản Văn hóa và các quy chế bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh, các quy định trong xây dựng cơ bản, đảm bảo chuẩn mực về bảo tồn, tính chân xác của các công trình.

Bà Audrey Azoulay cũng không hề “ngoại giao” khi nói rằng, những thành quả mà Huế có được trong lĩnh vực này, đặc biệt là hiểu biết của những người thợ đã và đang tham gia vào quá trình trùng tu, tôn tạo, phục dựng di sản “là vô cùng quý giá cần phải trao truyền cho thế hệ mai sau”.

Khi bà Audrey Azoulay nói những lời này trong Đại nội Huế, công trình điện Kiến Trung vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhưng để nói về sự “trao truyền” thì không có công trình nào có thể làm ví dụ tốt hơn ngôi điện này.

Có một chi tiết rất thú vị là cách đây đúng 180 năm, tròn 3 vòng lục thập hoa giáp, cũng vào năm Giáp Thìn (1844), tiền thân của điện Kiến Trung là lầu Minh Viễn (xây dựng vào năm 1827 dưới thời Minh Mạng) được vua Thiệu Trị chọn và đề thơ vịnh là “Thần Kinh đệ nhất cảnh” trong số 20 cảnh đẹp của Kinh đô Huế.

Và nay, năm Giáp Thìn 2024, điện Kiến Trung, công trình nối tiếp của Minh Viễn Lâu - “Thần Kinh đệ nhất cảnh” đã được hồi sinh trong lộng lẫy để góp thêm một phần “sức lực” vào việc “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây.

Đó còn là một sự “lành thay”, mang đến nhiều hy vọng cho Huế, địa phương đã chọn cho mình một con đường riêng khi quyết định xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bằng chính nội lực văn hóa - di sản!

HOÀNG VĂN MINH

 
Theo Lao động online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày  

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 27.878
Truy cập trong tháng: 16.190
Truy cập trong năm: 542.310
Tổng lượt truy cập: 5.734.688
Lượt truy cập hiện tại: 627