Tìm kiếm tin tức
Ngành thư viện “khát” nhân lực chất lượng cao
Lượt đọc 1970Ngày cập nhật 11:10 17/01/2024
Ảnh minh họa

(TVH) - Nhân lực được xem là nguồn lực quan trọng nhất trong tiến trình đổi mới hoạt động thư viện. Việt Nam hiện có mạng lưới thư viện rộng khắp với nhiều loại hình khác nhau; tuy nhiên, sự phát triển về số lượng lại không đi đôi với chất lượng, khi hầu hết các đơn vị đều hạn chế về chất lượng nhân lực. Điều này đòi hỏi cần có những cơ chế, chính sách hợp lý để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.

Bắt buộc phải triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại

Theo bà Đoàn Quỳnh Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), số lượng, chất lượng nhân lực ngành thư viện đang có nhiều bất cập do tỷ lệ người làm công tác thư viện có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hiện đã và đang có xu hướng giảm. Từ đó, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc thu hút nguồn nhân lực chính quy, chất lượng cao để đảm bảo triển khai hoạt động thư viện.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho hay, người làm công tác thư viện trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc nhận thức cũng như xây dựng hoạt động thư viện phù hợp với yêu cầu thực tế, nhất là chuyển đổi số. Có thể thấy rõ nhất điều này trong tương quan của nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động thư viện. Hiện nay, trung bình mỗi thư viện chỉ có 1-2 người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đảm nhận công tác CNTT. Để đáp ứng các yêu cầu chung và công cuộc chuyển đổi số nói riêng thì bắt buộc phải triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực của ngành. Qua khảo sát, 96% người làm công tác thư viện mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số của hoạt động thư viện.

Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam thẳng thắn đánh giá, trình độ người làm công tác thư viện ở một số thư viện công cộng, thư viện cao đẳng, đại học và thư viện trường phổ thông... còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, thiếu và yếu, nhất là ở thư viện cấp huyện và cấp cơ sở; nhiều người chưa năng động, sáng tạo trong công việc. Vì năng lực chuyên môn hạn chế, tại một số thư viện còn xuất hiện tình trạng người làm công tác thư viện có thái độ ỉ lại, trông chờ vào cấp trên, dựa dẫm vào cơ chế “xin - cho”.

Bên cạnh đó, theo đại diện của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đa số cán bộ thông tin thư viện hiện nay được đào tạo theo chương trình cũ, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thư viện hiện đại và cao hơn là yêu cầu chuyển đổi số. Thậm chí, có tới 46% cán bộ chưa được tham gia những khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới. Thực tế này đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các thư viện và trung tâm thông tin hiện nay.

 

 

 Hoạt động thư viện sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nếu chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện

Tập trung chất lượng đào tạo

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho rằng, muốn đổi mới hoạt động thư viện, việc cần phải triển khai ngay, nhanh và liên tục là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Công tác này cần đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số thư viện. Giải pháp cơ bản nhất chính là tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm thư viện nhằm trang bị những kiến thức, hiểu biết về dữ liệu, công nghệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và triển khai dịch vụ số…

Cụ thể, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, TS Tạ Bá Hưng nhấn mạnh, cần đào tạo nghề liên tục cho lãnh đạo các đơn vị về thông tin - thư viện. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực về khả năng đưa ra tầm nhìn đúng đắn, đủ xa để dẫn dắt thư viện phát triển phù hợp với xu thế thế giới và thực tiễn cụ thể của đất nước; khả năng đổi mới, sáng tạo trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trung dài hạn cho thư viện. Một số kỹ năng khác như lãnh đạo cơ quan thông tin - thư viện cần được trang bị gồm kỹ năng truyền thông hiệu quả; kỹ năng tương tác xã hội; kỹ năng hợp tác để huy động nguồn lực, đảm bảo phát triển, cung cấp các dịch vụ thư viện thông minh…

“Để giúp lãnh đạo các cơ quan thông tin - thư viện sớm có năng lực và kỹ năng nêu trên, cần triển khai các khóa đào tạo ngắn ngày về kiến thức lãnh đạo, quản lý do các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các hội nghề nghiệp về thông tin - thư viện cùng các đơn vị liên quan tổ chức. Bên cạnh có, việc tạo ra một môi trường cạnh tranh, thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo cũng được xem như một cách thức phù hợp để thúc đẩy các giải pháp phát triển năng lực, kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo”, ông Tạ Bá Hưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Giới đề xuất Bộ VHTTDL cần sớm nghiên cứu, xây dựng chương trình khung để đào tạo lại đội ngũ người làm công tác thư viện (ưu tiên nhiệm vụ chuyển đổi số). Đồng thời, Vụ Thư viện cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo thông tin - thư viện và các chuyên gia để tổ chức đào tạo lại người làm công tác thư viện. Qua khóa học, học viên được lĩnh hội các kiến thức và có thể thực hiện bổ túc nghiệp vụ cho những người chưa có điều kiện đi học. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên, bắt buộc chứ không chỉ dừng lại ở “hô khẩu hiệu”, hoặc làm chiếu lệ cho xong.

Kiến nghị thêm giải pháp, ThS Nguyễn Mạnh Kiêm (Trường Đại học Văn hóa TP.HCM) cho rằng, chương trình đào tạo sinh viên ngành Thông tin - thư viện hiện nay nên được xây dựng dựa trên mô hình mới, gồm một số môn học chính bắt buộc về tìm kiếm thông tin, truy cập thông tin, dịch vụ thông tin, tiếng Anh... Cùng với đó, việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế cần được coi là nền tảng nhằm tái cơ cấu chương trình giảng dạy về ngành Thư viện, hấp dẫn sinh viên theo học. 

Nguồn: http://baovanhoa.vn/
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày  

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 40.693
Truy cập trong tháng: 155.595
Truy cập trong năm: 513.974
Tổng lượt truy cập: 5.706.352
Lượt truy cập hiện tại: 715