Danh mục

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BÀN THÊM VỀ VIỆC SƯU TẦM, SỐ HÓA VÀ ỨNG DỤNG CNTT ĐỂ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA CỦA DI SẢN HÁN NÔM Ở THỪA THIÊN HUẾ (*)
Lượt đọc 4491Ngày cập nhật 8:05 04/10/2021

Sau 13 năm, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã phối hợp triển khai số hóa tại 14 phủ đệ, trên 149 làng, đền thờ và nhà vườn với hơn 700 họ tộc, tư gia trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng số tài liệu Hán - Nôm sưu tầm, số hóa được là 308.476 trang tư liệu. Đây là nguồn dữ liệu hết sức quý giá, đang cần được tiếp tục nghiển cứu để có giải pháp căn cơ, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biết này.

Trước hết, phải khẳng định rằng: Xây dựng tài nguyên số là một xu thế tất yếu và phổ biến của các thư viện ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Nó giúp giải quyết vấn đề lưu trữ, bảo quản tài liệu, chia sẻ tài nguyên và cải thiện dịch vụ cung cấp cho người dùng tin. Điều này như một định hướng bắt buộc, phù hợp với sự phát triển của ngành Thư viện ở Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Thư viện điện tử - Thư viện số, thõa mãn nhu cầu thông tin dưới dạng “mở” dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Nhiều năm trở lại đây, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã không ngừng quan tâm sưu tầm, số hoá những tài liệu địa chí bổ sung vào ngân hàng dữ liệu số, đặc biệt là loại hình tài liệu Hán - Nôm, góp phần bảo tồn và phát huy một di sản văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: khí hậu khắc nghiệt, ý thức con người, phương tiện bảo quản…loại tài liệu Hán – Nôm này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ hư hỏng, mất mát là vấn đề mang tính cấp thiết cần được quan tâm sưu tầm, số hóa để bảo quản, dịch và phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu học tập của nhiều đối tượng độc giả, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc nói chung, di sản văn hoá xứ Huế nói riêng trong thời đại CNH – HĐH và hội nhập quốc tế.
 
(Một sắc phong không còn nguyên vẹn ở làng Ngọc Anh)
 
 
(Tài liệu quý bị tách lìa làm đôi ở Làng Khánh Mỹ)
 
 
(Rất nhiều văn bản không còn khả năng phuc chế được tại làng La Ỷ)
 
Trước thực trạng và nhu cầu hết sức cấp thiết đó, từ năm 2009 đến nay, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Thư viện KHTH Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Dự án – Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh “Sưu tầm, tuyển dịch, số hóa tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế” có thể nói là đạt chất lượng tốt và hiệu quả xã hội. Tổng cộng sau 13 năm, đã số hóa tại 14 phủ đệ, trên 149 làng, đền thờ và nhà vườn với trên 700 họ tộc, tư gia. Tổng số tài liệu Hán Nôm sưu tầm, số hóa được là 308.476 trang tư liệu Hán - Nôm
Những vấn đề về thực trạng tài liệu Hán – Nôm, khó khăn, thuận lợi trong việc sưu tầm, số hóa…đã được các nhà nghiên cứu bàn đến nhiều, bài viết này chúng tôi chỉ bàn thêm về vệc ứng dụng CNTT để bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình tài liệu Hán – Nôm đã, đang và sẽ sưu tầm, số hóa. 
 
(Từ trái qua, hàng dưới:
Ông Vĩnh Quốc Bảo - Phó Giám đốc Thư viện KHTH Tp HCM, Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Đình Kết - nguyên Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, Ông Lê Trọng Bình - nguyên Giám đốc Thư viện Thừa Thiên Huế, Ông Phạm Xuân Phượng - cựu viên chức Thư viện, người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc điền dã, sưu tầm, thương thảo với các bô lão, các dòng họ để triển khai mảng công tác này từ những ngày đầu tiên - kiểm tra tài liệu trước khi số hóa)
 
Hệ thống tư liệu văn bản Hán – Nôm đã sưu tầm, số hóa sau khi tuyển dịch sẽ giúp bổ sung nhiều chỗ trống trong lịch sử, nhiều chỗ không cụ thể hoặc thiếu sót trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị của địa phương, vùng và cả nước dưới các triều chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn. Tuy nhiên, để phát huy giá trị nguồn tư liệu quý hiếm trên Thư viện cần phải có những giải pháp để quản lý và tổ chức phục vụ, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu tiếp xúc, sử dụng ngân hàng dữ liệu Hán – Nôm đã sưu tầm, số hoá được. 
 
1. Về quy trình kỹ thuật số hoá.
 
Từ thực tiễn công tác số hóa tại đơn vị, chúng tôi cho rằng: 
 
Thứ nhất: Việc lựa chọn phương án thực hiện phù hợp với khả năng của mỗi thư viện là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công của mảng công tác này.
Nếu chọn phương án các thư viện tự thực hiện việc số hóa thì bắt buộc phải đảm bảo hai điều kiện đó là tài chínhnhân lực. Tài chính phải đủ để đáp ứng yêu cầu mua sắm trang thiết bị số hóa chuyên dụng, xây dựng hạ tầng CNTT tại đơn vị, đầu tư nhiều phần mềm xử lý và quản lý tài liệu số, chi phí thanh toán cho cá nhân, tổ chức sở hữu, bảo quản tài liệu…; Nhân lực phải được đào tạo để có khả năng làm chủ công nghệ, vận hành trang thiết bị máy móc, quản trị các CSDL, và cần nhiều người thực hiện nhiều công đoạn khác nhau để xử lý từ đầu vào là các file số hóa đến đầu ra là các bộ sưu tập, các CSDL – tài nguyên số phục vụ được cho bạn đọc. Đây có lẽ là khó khăn lớn cho những thư viện trong hệ thống Thư viện công cộng ở Việt Nam (trừ một số thư viện được quan tâm đầu tư đúng mức). 
Ở Thư viện Thừa Thiên Huế, việc hợp tác để thực hiện số hóa và chia sẻ trao đổi tài nguyên đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là chương trình hợp tác giữa Thư viện Thừa Thiên Huế và Thư viện KHTH Tp.Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Với việc hợp tác để sưu tầm số hóa tài liệu Hán – Nôm, tài liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2009 đến nay chúng tôi đã thực hiện được trên 300 ngàn trang tư liệu. Trong đó có nhiều tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, chính trị cao. Những tài liệu này đã được xử lý thành những bộ sưu tập, lưu trữ, và đưa ra phục vụ một phần tại hai thư viện. Từ việc hợp tác này chúng tôi nhận thấy có những ưu điểm sau:
- Giảm chi phí đáng kể;
- Cứu được những tài liệu hiện còn trước nguy cơ bị mai một, thất thoát;
- Có được nguồn dữ liệu số khá lớn;
- Chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện qui trình số hóa chuyên nghiệp, tiên tiến, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT vào công tác thư viện.
 
(Máy Scan tài liệu chuyên dụng Bookeye - một trong những trang thiết bị số hóa có giá trị lên đến hàng tỷ đồng, rất dễ hỏng hóc trong quá trình vận chuyển đường xa, được các đồng nghiệp Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh vất vả để vận chuyển ra Huế, phục vụ việc số hóa trong nhiều năm - Hình ảnh được ghi ở Phòng Tin học Thông tin, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế)
 
Thứ hai phải xây dựng được kế hoạch với mục tiêu định hướng rõ ràng thì sản phẩm đầu ra mới phát huy được giá trị phục vụ cao nhất. Ở đây vấn đề kỹ thuật và việc giải quyết những khó khăn trong quá trình số hóa cần được quan tâm. Cũng như nhiều thư viện khác trong hệ thống Thư viện công cộng, Thư viện Thừa Thiên Huế thời gian đầu bắt tay vào thực hiện công tác số hóa đều mang tính tự phát. Chưa có một quy trình, quy chuẩn cụ thể nên chúng tôi chủ yếu vừa học vừa làm. Thấy những cái gì phục vụ tốt cho bạn đọc thì thực hiện. Từ đó, việc tổ chức quản lý và đưa ra phục vụ gặp rất nhiều khó khăn: Vd: Định dạng tệp: - Hình ảnh: Màu, đen trắng, xám - Dạng file: TIFF, JPEG, PDF, Word.- Siêu dữ liệu: XML… Dung lượng file bao nhiêu? Định dạng xuất ra là gì? là những yêu cầu cần được nghiên cứu xác định trước. Vì để phục vụ được thì sản phẩm của quá trình số hóa phải dựa trên hạ tầng CNTT hiện có tại đơn vị (Hệ thống máy chủ, phần mềm quản lý, băng thông Internet….). Cũng chính vì lẽ đó mà trong khối lượng tài liệu đã số hóa, chúng tôi chưa thể tổ chức phục vụ toàn bộ trên Website của đơn vị. Mặc dù đã được xử lý để đưa vào những bộ sưu tập đơn lẻ nhưng toàn bộ dữ liệu đã số hóa có dung lượng file rất lớn trong khi hạ tầng công nghệ thông tin tại đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, phần mềm quản lý tài liệu số chưa được đầu tư. (Trước đây, chúng tôi đã dùng các phần mềm mã nguồn mở Greenstone và Dspace để sản xuất các bộ sưu tập nhưng vì chưa có thời gian dài sử dụng và nghiên cứu nên vẫn chưa khai thác hết những tính năng, tiện ích cũng như thiết kế lại cho phù hợp với hiện trạng của đơn vị).
Việc chọn thiết bị và tính toán đến sản phẩm đầu ra để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Trong quá trình hợp tác sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm với Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh, đối với loại tài liệu là những Sắc phong, chiếu chỉ cỡ lớn, những năm đầu chúng tôi dùng máy ảnh kỹ thuật số Canon 550D để sao chụp và xuất ra file gốc dạng TIFF, JPEG. Với những định dạng file này việc đọc máy sau khi xử lý thì không vấn đề gì. Nhưng đến lúc chúng tôi có kế hoạch thuê các nghệ nhân, họa sĩ phục chế lại các Sắc phong để phục vụ công tác trưng bày triển lãm thì khi phóng to ảnh, những họa tiết tinh xảo, những ký tự nhỏ trên bản Sắc phong bị rạn, vỡ không rõ đường nét gây khó khăn cho việc phục chế. Vì vậy, trong chương trình hợp tác số hóa từ 2012 đến nay chúng tôi cũng dùng thiết bị máy ảnh đó nhưng chuyển sang định dạng file xuất là RAW, có dung lượng lớn, có thể phóng to để nhìn rõ được những chi tiết nhỏ nhất của loại tài liệu này.
 
2. Về nhân lực tham gia số hoá.
Ngoài đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia số hoá phải có trình độ nhất định về công nghệ thông tin, nắm vững quy trình số hoá, kỹ năng sử dụng các thiết bị tin học và cẩn thận trong việc lưu trữ dữ liệu, thì cán bộ làm công tác điều tra, điền dã, thương thảo để vận động bà con đồng ý cho việc số hoá là hết sức quan trọng.
Với đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng của vùng đất cố đô, “bản quyền” của loại hình tài liệu này được xem là sở hữu của cá nhân, tổ chức bảo quản, lưu giữ nó. Đa phần người Huế đều xem những tài liệu này là gia bảo, tộc bảo, là cổ vật và được cất giữ, bảo quản, thờ tự hương khói ở những nơi linh thiêng trang trọng nhất của nhà thờ, đình làng. Nên việc thương thảo, đàm phán để tiếp cận nguồn tài liệu này để số hóa là việc làm không đơn giản. Từ kinh nghiệm của những năm hợp tác sưu tầm, số hóa chúng tôi nhận thấy để tiếp cận nguồn tài liệu quý giá này cần quan tâm những vấn đề sau:
- Cán bộ làm công tác đàm phán phải là người được lựa chọn có đủ uy tín, có kiến thức về lịch sử, văn hóa, có khả năng giải thích mục đích của công việc để người dân hiểu;
- Tăng cường công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để vừa nâng cao nhận thức bảo quản di sản Hán - Nôm cho người dân và xác nhận lại một cách chính thống mục đích của việc số hóa tài liệu này thư viện đứng ra thực hiện là phi lợi nhuận, trở lại phục vụ lợi ích cho cộng đồng; những tổ chức, cá nhân tham gia sẽ được lưu giữ bản số hóa để lại cho muôn đời sau nếu bản gốc bị thất lạc, mất mát;
- Thực hiện đúng những lời hứa, cam kết với người dân để tạo uy tín;
- Phối hợp làm việc trước với chính quyền địa phương để có sự ủng hộ, vận động bà con tham gia và giải quyết những sự cố trong quá trình làm việc.
 
3. Phát huy giá trị di sản Hán – Nôm đã sưu tầm, số hoá
Qua 13 năm phối hợp sưu tầm, số hoá chúng tôi đã bổ sung được một số lượng rất lớn văn bản Hán – Nôm đặc biệt quý – đây là nguồn dữ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu địa chí Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Chắc chắn rằng trong số tài liệu mà hai đơn vị đã số hoá được đến thời điểm hiện tại đã có thêm nhiều tài liệu bị thất thoát, hư hỏng không còn bản gốc do những tác nhân tự nhiên và con người. Hơn thế nữa, thành qủa lớn nhất của chương trình là đã tạo ra hiệu ứng về mặt xã hội, nâng cao ý thức giữ gìn di sản Hán – Nôm của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Bởi vì, song song với việc thương thảo, đàm phán để số hoá, lưu trữ dữ liệu, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cách bảo quản, tu bổ tài liệu cho những cá nhân, tổ chức, dòng họ…  Đồng thời, đoàn công tác cũng đã trực tiếp xử lý phục chế, tu bổ không ít tài liệu bị xuống cấp nghiêm trọng để trả về và hướng dẫn chủ nhân tiếp tục bảo quản. Những hoạt động này đã góp phần vào công cuộc bảo tồn tài liệu Hán – Nôm, một bộ phận của di sản văn hoá dân tộc trước nguy cơ mai một.
 
 
(Từ trái qua: TS. Phan Thanh Hải - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao, TS. Phan Tiến Dũng -  nguyên giám đốc Sở VH&TT, Ông Phan Xuân Toàn - nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tĩnh ủy, TS. Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng vụ Thư viện - Bộ VHTT&DL, Bà Nguyễn Thị Ái Vân - Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh cắt băng khai mạc một cuộc triển lãm tài liệu Hán - Nôm)
 
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị mà mục tiêu cuối cùng là phục vụ bạn đọc, các nhà nghiên cứu để họ dễ dàng tiếp cận, sử dụng, khai thác nguồn tài liệu này ở Thư viện Thừa Thiên Huế đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài việc nhận được sự hỗ trợ lớn lao, sự hợp tác hiệu qủa của Thư viện KHTH Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xử lý, dịch thuật, in ấn, phát hành nhiều tài liệu có giá trị như Canh tý Thi tập do nhà nghiên cứu Phan Thuận An cung cấp; Một số sắc phong tiêu biểu sưu tầm tại TT. Huế; in lại trên Giấy dó tập Vĩ Dạ Hợp Tập,... toàn bộ tài liệu đã số hoá được tổ chức thành những bộ sưu tập theo từng dòng họ, địa phương, phủ đệ... để phục vụ tại chỗ; Thư viện chưa được sự đầu tư để xử lý biên mục và phục vụ bạn đọc rộng rãi theo đúng nghiệp vụ thư viện. Những hạn chế này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
 
Thứ nhất Phần mềm quản lý tài liệu số để quản trị tài liệu Hán – Nôm từ nhiều năm trước đây chưa được đầu tư. Dữ liệu sưu tầm, số hóa về được tổ chức thành các bộ sưu tập chỉ phục vụ tại thư viện nên giới hạn đối tượng và phạm vi phục vụ. Chưa giới thiệu, quảng bá đến người dùng tra cứu, khai thác trên mạng Internet thông qua website của đơn vị. Trước tình hình đó, từ giữa năm 2017 Thư viện KHTH Thành phố Hồ Chí Minh đã tài trợ, chuyển giao cho Thư viện Huế một module của phần mềm Emiclip và cập nhật thử nghiệm gần 300 đầu tài liệu Hán – Nôm. Qua tập huấn sử dụng, chúng tôi nhận thấy đây là một phần mềm tốt, đáp ứng yêu cầu để xử lý biên mục loại tài liệu đặc trưng này, mở ra bước ngoặt mới cho công tác quản lý, phục vụ, phát huy giá trị di sản Hán – Nôm đã sưu tầm, số hóa.
 
Thứ hai Tài liệu số nói chung và tài liệu Hán – Nôm nói riêng muốn phục vụ hiệu quả, phát huy hết giá trị thì bắt buộc phải được xử lý, lưu trữ trên mạng máy tính theo chuẩn nghiệp vụ thư viện. Hiện tại, ở Thư viện Thừa Thiên Huế mặc dù đã được trang bị 01 module của phần mềm quản lý tài liệu số nhưng chưa có nhân lực có trình độ Hán – Nôm để có thể xử lý biên mục những tài liệu này. Trước mắt, chúng tôi chỉ mới tranh thủ kết quả xử lý biên mục mà Thư viện KHTH Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý chuyển giao, hỗ trợ.
 
Thứ ba Do điều kiện kinh phí hạn hẹp, không có nhân sự Hán – Nôm nên Thư viện Huế vẫn chưa thể tuyển chọn những tài liệu có giá trị để phối hợp với các cơ quan, các nhà nghiên cứu, dịch thuật phát hành, phục vụ bạn đọc rộng rãi ra ngoài thư viện. Đồng thời, sàng lọc những tài liệu đặc biệt quý hiếm để phục chế, lưu trữ, phục vụ tại phòng đọc Địa chí thư viện cũng là một giải pháp hữu ích.
 
 
(Hai trong số các ấn phẩm đã được tuyển dịch, ấn hành, giới thiệu đến bạn đọc)
 
 
Tuy nhiên, một trong những nỗ lực đáng ghi nhận là trong vòng 5 năm trở lại đây các đơn vị phối hợp đã tuyển chọn phát hành 02 đầu sách có giá trị: Năm 2018, Thư viện Tổng hợp đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thư viện KHTH Thành phố Hồ Chí Minh biên tập xuất bản cuốn Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế (Sách do Nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa Huế - Trần Đại Vinh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ - Hán Nôm Trường Đại học Sư phạm Huế viết Lời giới thiếu); sách dày 734 trang do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. ấn bản này đã giới thiệu tóm tắt 2171 sắc phong, sắc chỉ thời Nguyễn. Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, của đông đảo bạn đọc.
Tiếp đó, vào năm 2020, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Thư viện KHTH Thành phố Hồ Chí Minh để cho ra mắt cuốn Sắc phong, Chế phong, Chiếu dưới thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (tuyển chọn) (sách do Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế viết Lời giới thiệu), sách dày 337 trang, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Cuốn sách đã giới thiệu đầy đủ nội dung 300 tài liệu Hán - Nôm quý, bao gồm 180 sắc phong, 100 chế phong và 19 chiếu. Đây cũng là một trong những giải pháp tốt nhằm phát huy hiệu quả nguồn tài liệu quý hiếm này sau khi đã sưu tầm số hóa về được.
 
4. Kiến nghị, đề xuất
Từ thực tế công tác sưu tầm, số hóa và tổ chức phục vụ tài liệu Hán – Nôm ở Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế những năm qua có thể đưa ra một số đề xuất:
 
* Đối với Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam:
- Cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của ngành Thư viện cần xây dựng chính sách về tài chính, nhân sự, bản quyền… giúp các thư viện có được hành lang pháp lý khi thực hiện công tác số hóa tài liệu;
- Các cơ quan chuyên môn đầu ngành cần nghiên cứu phổ biến bộ quy chuẩn chung cho qui trình số hóa. Mở các lớp tập huấn chuyên sâu về qui trình số hóa, xử lý, đến phục vụ tài liệu số. Hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ số hóa, chuyển giao kinh nghiệm trong quá trình thực hiện;
- TVQG Việt Nam cần đưa ra được danh mục trang thiết bị, phần mềm tham khảo cho quá trình số hóa. Để các đơn vị tùy điều kiện hoàn cảnh của mình có thể trang bị dần, chủ động trong công tác số hóa, góp phần xây dựng bộ sưu tập số quốc gia.
 
* Đối với Sở VH&TT:
- Cần duyệt và cấp một khoảng kinh phí thường xuyên hàng năm để Thư viện tiếp tục triển khai các chương trình số hóa tài liệu nói chung và sưu tầm, số hóa, tổ chức quản lý, phục vụ tài liệu Hán – Nôm nói riêng, phát huy giá trị nguồn tài liệu quý đã sưu tầm, số hóa được.
 
* Trách nhiệm của Thư viện Tổng hợp tỉnh:
- Phải xác định số hóa tài liệu là một nhiệm vụ chuyên môn có tầm quan trọng như việc bổ sung tài liệu để xây dựng kế hoạch dài hơi, có định hướng chiến lược về tài chính và nhân sự thực hiện mảng công tác này. Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cán bộ làm công tác điền dã, đàm phán và nhất thiết phải tuyển dụng nhân lực có trình độ Hán – Nôm.
 
Ngày nay, với sự phát triển của CNTT, sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thư viện với vai trò là đơn vị cung cấp thông tin phải là những người tiên phong ứng dụng công nghệ trong hoạt động phục vụ bạn đọc. Chính vì vậy, số hóa tài liệu để tổ chức thành ngân hàng dữ liệu điện tử phục vụ tốt nhất nhu cầu dùng tin của bạn đọc là một xu hướng bắt buộc. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi tài liệu được số hóa là những văn bản Hán – Nôm, một di sản văn hóa của dân tộc cần được bảo tồn và phát huy giá trị./.
 
(*) Bài viết đã đăng trên Văn hóa Huế số Xuân Tân Sửu, 2021
 
 
Cùng nhìn lại quá trình 13 năm hoạt động Sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế qua ảnh tư liệu
 
* Năm 2009: 
Khởi động chương trình số hóa là sự phối hợp giữa Thư viện Thừa Thiên Huế, Thư viện KHTH Tp.Hồ Chí Minh với Bảo tàng văn hóa Huế. Tài liệu số hóa chủ yếu từ bản photocopy đã được Bảo tàng sao chụp về và tài liệu ở các Tủ sách tư nhân của các nhà nghiên cứu trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Có 10.852 trang tài liệu Hán - Nôm được sao chụp và sưu tầm, lựa chọn một số tài liệu quý đưa đi triển lãm Tài liệu Hán - Nôm tại Tp.Hồ Chí Minh.
 
(Ông Bùi Xuân Đức - Giám đốc Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh và Ông Lê Trọng Bình - nguyên Giám đốc
Thư viện Thừa Thiên Huế những ngày đầu hợp tác)
 
(Toàn cảnh triển lãm và hội thảo được tổ chức tại Thư viện KHTH Tp.Hồ Chí MInh)
 
 
 
 
 
 
(Ông Lê Trọng Bình - nguyên Giám đốc Thư viện Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo)
 
* Năm 2010:
Thực hiện việc sưu tầm, số hoá hơn 39.000 trang tài liệu
 
(Khai mạc trưng bày sách, mở đầu hoạt động số hóa trong năm 2010)
 
 
(Ông Nguyễn Thành Rum - Nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Tp.Hồ Chí Minh, kiểm tra, động viên hoạt động
của Đoàn số hóa tại Thư viện Thừa Thiên Huế)
 
(Thao tác tại phòng Tin học Thông tin Thư viện Thừa Thiên Huế)
 
 
(Kiểm tra tài liệu trước khi đưa vào dây chuyền sao chụp tại làng Thủy Biều)
 
(Các bô lão của làng Thủy Biều kiểm tra tình trạng của tài liệu sau khi được lấy ra từ hòm bộ)
 
 * Năm 2011:
Thư viện Thừa Thiên Huế tiếp tục phối hợp với Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh sưu tầm, số hoá hơn 17.380 trang tư liệu Hán – Nôm quý hiếm 
 
(Khai mạc Triển lãm tài liệu Hán - Nôm)
 
 
 
 
 
(Đông đảo các vị chức sắc của nhiều làng, họ tộc và các nhà nghiên cứu quan tâm, tham quan tại triển lãm)
 
 
 
(Hội thảo khoa học về Bảo tồn di sản Hán - Nôm được tổ chức dưới sự chủ trì của: ông Bùi Xuân Đức - Giám đốc Thư viện KHTH Tp.Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VHTT, TS. Phan Tiến Dững - nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL, ông Lê Hữu Minh - nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL)
 
 
 
 
* Năm 2012:
Số hoá được 16.864 trang tư liệu Hán – Nôm (đặc biệt có nhiều sắc phong, chế, chiếu quý từ thời Gia Long). Thực hiện đề tài “Bước đầu sưu tầm, số hoá tài liệu Hán – Nôm về làng, xã, tư gia ở TT. Huế”. Tuyển dịch: 50 sắc phong, chế và 15 sắc phong phục chế.
 
(Ông Đặng Văn Ức (thứ 3 từ trài sang) - nguyên Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam tham dự hàng loạt sự kiện mà hai đơn vị đã tổ chức trong năm 2012 tại Thư viện Thừa Thiên Huế) 
 
 
( Các đại biểu cắt băng khai mạc các hoạt động.
Từ trái sang: ông Đào Tam Tĩnh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp Thư viện  Bắc Miền Trung nhiệm kỳ 2012-2013, Giám đốc Thư viện Nghệ An, ông Phan Tiến Dũng - nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL, ông Ngô Hòa - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh, ông Đặng Văn Ức - nguyên Phó Giám đốc TVQG Việt Nam và ông Lê Trọng Bình - nguyên Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế )
 
 
 
 
(Đội  nghi lễ  của các làng tham dự sự kiện và chuẩn bị nghênh rước sắc phong bị thất lạc do hai thư viện sưu tầm được và tổ chức trao tặng về lại cho các làng thờ phượng, gìn giữ) 
 
 
 
 
(Ông Ngô Hòa - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Công Tuyên - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao chứng nhận và đĩa dữ liệu đã số hóa, xử lý cho đại diện các làng, họ tộc)
 
 
 
* Năm 2013:
Số hóa được 22.903 trang tài liệu Hán - Nôm tại 7 phủ: Phong Quốc Công, An Thường Công Chúa, Hàm Thuận Công, Khương Quận Công, Chi II - Nguyễn Phúc Giản, Kiến Hòa Quận Công, Tân An Quận Công và tại 9 làng: Lại Thế, Nam Phổ, An Nhơn, Phổ Trì, Chiết Bi, An Hòa, Thanh Chữ, An Vân, Phú Bài với 25 họ...
 
(Ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng  đại diện lãnh đạo hai địa phương (Thừa Thiên Huế và Tp. Hồ Chí  Minh)  dự khai mạc các hoạt động sưu tầm, số hóa trong năm 2013)
 
 
 
(Các cá nhân, tập thể được khen thưởng tại Hội nghị Tổng kết 5 năm sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm trên địa bàn Thừa Thiên Huế)
 
 
 
 
 
 
(Đại biểu, chức sắc các làng, họ, các nhà nghiên cứu tham quan triển lãm)
 
 
 
 
(Ông Lê Trọng Bình - nguyên Giám đốc Thư viện trao ấn phẩm kỷ niệm và CD dữ liệu cho Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân)
 
 
 
 
 
 
 
(Ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Giám đốc TVQG Việt Nam phát biểu tại Hội nghị)
 
* Năm 2014: 
Tổ chức Lễ trao tặng sắc phong gốc cho các làng: Kim Long, Lương Quán, Vân Dương và trao tặng ấn phẩm kỷ niệm cho các họ tộc, tư gia đã tích cực phối hợp số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Đã sưu tầm và số hóa 40.192 trang tài liệu theo đề tài cấp tỉnh “Sưu tầm, phục chế, tuyển dịch, số hóa tài liệu Hán – Nôm ở Thừa Thiên Huế”.
 
(Sau Lễ Khai mạc, trao đĩa dữ liệu cho các làng, họ tộc là lễ trao tặng các sắc phong cho các lãng Kim Long, Vân Dương, Lương Quán)
 
 
 
(Không khí đón rước được tổ chức trang trọng, lễ nghi nhưng không kém phần vui tươi, phấn khởi, tưng bừng như ngày hội lớn) 
 
 
 
(Sắc phong thất lạc đã được trả về lại cho làng nhờ những nỗ lực sưu tầm của hai đơn vị)
 
(Tiếp tục hoạt dộng số hóa tai nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh)
 
(Để có được những trang tài liệu đọc được trên mạng, máy tính là cả một quá trình có mồ hôi, công sức của những chuyên gia phục chế, chuyên viên số hóa, thiết bị máy móc chuyên dụng và cả một quy trình biên dịch, biên mục theo nghiệp vụ thư viện)
 
 
 
 
* Năm 2015:
Số hóa được 40.192 trang.
 
(Hằng năm thường có các hội nghị, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả xã hội, tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu nhằm xác định hướng đi đúng cho hoạt động sưu tầm, số hóa loại tài liệu đặc biệt này)
 
 
 
 
 
(TS.Trần Đình Hằng , Phân Viện Trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế phát biểu tại một cuộc hội thảo)
 
(Đại diện chức sắc của các làng, họ đóng góp ý kiến cho hoạt động sưu tầm)
 
 
 
* Năm 2016:
Phối hợp thực hiện được hơn 15.001 trang tài liệu Hán Nôm.
 
(Làng Vạn Xuân - Kim Long)
 
 
(Nhiều tài liệu quý tại Tư gia Họ Hoàng - Nguyễn Khoa Chiêm được sao chụp)
 
 
 
(Tại phủ Họ Nguyễn Tôn Thất - làng Xuân Lai)
 
(Chuyên gia Hán - Nôm phiên âm dịch nghĩa tại chỗ một số tài liệu theo yêu cầu của dân làng tại Đình làng Bàn Môn) 
 
(Một trong những sách đồng độc đáo, quý hiếm được tìm thấy tại Phủ Lạc Hoa Quận Công)
 
* Năm 2017:
Phối hợp với Thư viện KHTH Tp. HCM sưu tầm, số hóa 27.000 trang tài liệu Hán Nôm tại địa bàn huyện Phú Lộc, nâng tổng số tư liệu Hán - Nôm đã sưu tầm, số hóa tại Thư viện Tổng hợp lên 193.761 trang (2009-2017).
 
(Làng Mỹ Lợi - nơi phát hiện nhiều tài liệu có giá trị về chủ quyền biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa)
 
 
 
 
 
(Những đạo sắc còn lưu giữ khá tốt ở Chùa Thánh Duyên - Phú Lộc)
 
(Làng An Bằng - xã Vinh An)
 
(Một "hòm bộ" dạng ống để đựng sắc phong được chạm, khảm hình rồng phụng công phu, độc đáo đươc tìm thấy tại làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Lộc)
 
* Năm 2018
Tổ chức lễ trao tặng 03 Sắc phong cho làng La Ỷ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang và 05 Sắc phong cho Làng Qúy Lộc, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Đây là những bảo vật quý hiếm của các làng xã bị thất lạc từ lâu được Thư viện phát hiện trong quá trình sưu tầm, điền dã và vận động các nhà sưu tập hiến tặng. Hoạt động này đã góp phần thiết thực vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán – Nôm trên địa bàn Tỉnh.
Phối hợp với Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh sưu tầm, số hóa 37.221 trang tài liệu Hán - Nôm, thực hiện ở 7 xã, 13 làng, 8 đình làng và 144 họ tộc ở các địa phương trong tỉnh. Nâng tổng số tài liệu Hán - Nôm đã sưu tầm, số hóa trong 10 năm tại Thư viện Tổng hợp lên 230.982 trang.
 
(Đình làng Cự Lại)
 
 
(Nghi lễ khai mở hòm bộ sắc phong và tiến hành số hóa tại làng Cự Lại - địa danh còn lưu giữ nhiều mẫu chuyện  thú vị bởi tên làng độc đáo - CỰ LẠI)
 
 
 
 
 
 
 
 
(Thực hiện việc sao chụp tại làng Kế Môn - nơi được xem là phát tích của nghề Kim hoàn nổi tiếng trong và ngoài nước)
 
 
 
 
* Năm 2019:
Phối hợp với Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế  sưu tầm, số hóa 34.646 trang tài liệu Hán - Nôm, thực hiện ở 7 xã, 18 làng, 70 họ tộc trên địa bàn huyện Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc. Nâng tổng số tài liệu Hán - Nôm đã sưu tầm, số hóa trong 11 năm tại Thư viện Tổng hợp lên 265.628 trang.
 
(Làng Xuân Thiên, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế)
 
 
 
(Đoàn công tác gồm các viên chức của Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh và Thư viện Thừa Thiên Huế đang thực hiện các công đoạn trong quy trình sao chụp)
 
 
 
(Chuyên gia phục chế tài liệu đang thực hiện việc bồi nền, bóc tách, cố gắng xếp lại chữ để sao chup; Ảnh chụp tại làng La Ỷ, Phú Thượng, Phú Vang)
 
 
(Ghi phiếu dây chuyền trước khi số hóa tại làng Ngọc Anh - Phú Thượng, Phú Vang (nay thuộc Tp Huế))
 
* Năm 2020:
Thư viện đã tiến hành 02 đợt sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng số trang tài liệu là 42.846 trang.
 
 
(Làng An Nong)
 
 
 
(Thực hiện tại làng An Truyền)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
(Xã Lộc Trì - Phú Lộc)
 
 
 
(Năm 2020, chủ yếu thực hiện các làng,họ tộc, tư gia, các xã trên địa bàn huyện Phú Lộc)
 
 
 
Hiện tại, với sự quan tâm của Lãnh đạo UBND Tỉnh, của Sở VH&TT, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đang tiếp tục thực hiện việc sưu tầm, số hóa cũng như phát huy giá trị di sản Hán - Nôm theo Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2020 của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Phê duyệt kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2024.  Thực hiện thành công, hiệu quả Kế hoạch này sẽ có thêm nhiều tài liệu quý hiếm được số hóa, bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ việc nghiên cứu, học tập của đông đảo bạn đọc khi tìm hiểu về vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân xưa và Thừa Thiên Huế ngày nay./.
 
 
 
NGUYỄN NHƯ TĨNH
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày