Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 25.943
Truy cập trong tháng: 140.845
Truy cập trong năm: 499.224
Tổng lượt truy cập: 5.691.602
Lượt truy cập hiện tại: 796

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đội thiếu niên du kích thành Huế
Lượt đọc 3406Ngày cập nhật 4:44 22/03/2022

Đội thiếu niên du kích thành Huế / Văn Tùng. - In lần thứ 7. - H. : Kim Đồng, 2011. - 207tr. ; 19cm.

 

“Đội thiếu niên du kích thành Huế” của nhà văn, nhà sử học Văn Tùng, viết về một đội du kích hoạt động rất mưu trí và dũng cảm trong lòng địch, đã làm say mê bao thế hệ bạn đọc, nhưng ít ai biết rằng nhân vật đội viên nữ duy nhất tên Châu đã được tác giả xây dựng dựa trên một nguyên mẫu có thật.

Giáo sư-tiến sĩ ngôn ngữ học HOÀNG THỊ CHÂU - nét đẹp dịu dàng của người nữ sinh Đồng Khánh, pha lẫn nét cương nghị của nữ đội viên du kích can trường năm xưa, cũng như ký ức về những ngày hoạt động trong phong trào thanh niên - học sinh tại Huế như vẫn còn vẹn nguyên.  

 

Bà nhớ lại: “Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tôi mới 10 tuổi. Tháng 12-1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình tôi không tản cư mà ở lại vùng tạm chiếm. Giữa năm 1947, các trường bắt đầu mở cửa đón học sinh đi học lại. Lúc bấy giờ, tôi học lớp đệ thất trường Đồng Khánh. Ngay bên cạnh, trường Khải Định (trường Quốc học Huế) đã bị thực dân Pháp chiếm làm đồn đóng quân. Hàng ngày, tận mắt chứng kiến những tội ác của quân giặc đối với đồng bào ta, nỗi đau của người dân mất nước đã bùng sôi trong trái tim tôi. Vì thế, khi Đội thiếu niên du kích thành Huế thành lập, tôi đã hăng hái tham gia ngay.

Đội thiếu niên du kích thành Huế gồm phần lớn là học sinh, thiếu niên các khu phố nội thành, chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của chú Nguyễn Phương Từ, Thành đội phó thành đội Thuận Hóa. Đội có nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Để lập thành tích dâng lên Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người, đêm 18-5-1949, toàn đội đã tổ chức một loạt trận tấn công bằng lựu đạn và ô buy vào nhiều vị trí quân Pháp, nguỵ đóng trong thành phố, rải truyền đơn kêu gọi thanh niên và đồng bào đứng lên kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược. Những ngày tháng tiếp theo, đội càng hoạt động can trường, dũng cảm hơn.

Tháng 3-1949, Hiệp ước Ê-ly-sê ký kết giữa thực dân Pháp và Bảo Đại, thành lập chính quyền bù nhìn do Bảo Đại làm Quốc trưởng kiêm Tổng tư lệnh quân đội. Để tuyên truyền, gây thanh thế cho Bảo Đại, ở Thừa Thiên, thực dân Pháp và tay sai tăng cường các thủ đoạn chính trị lừa bịp nhằm xoa dịu lòng dân, tạo ra không khí hoà bình giả tạo. Chúng tổ chức cho Bảo Đại đến thăm một số trường học ở Sài Gòn-Chợ Lớn, Huế và Hà Nội. Chúng tôi nhận nhiệm vụ tẩy chay trò tiếp đón Bảo Đại. Khí thế đấu tranh của thanh niên-học sinh Thừa Thiên những ngày này càng sôi nổi hơn. Các anh chị lớp trên rủ nhau bỏ học, vượt qua đồn bốt địch lên chiến khu tham gia Vệ quốc đoàn. Trong trường học, chúng tôi truyền tay nhau những số báo “Giết giặc” xuất bản ở chiến khu được bí mật gửi vào, rồi chép tặng nhau những bài thơ của nhà thơ Tố Hữu. “Xếp bút nghiên” ngày ấy trở thành bài hát quen thuộc: “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân. Sơn hà nguy biến, tiến ta tiến...”. Những bài hát, vần thơ cách mạng vang lên chẳng những thu hút bè bạn khắp vùng mà còn góp phần tạo nên không khí kháng chiến sôi động trong đồng bào các giới.

Tháng chạp năm 1949, các cuộc biểu tình, tuần hành, bãi khoá của thanh niên-học sinh Huế diễn ra với các khẩu hiệu: “Ủng hộ kháng chiến”, “Chống bắt lính”... Thực dân Pháp bắt giam hàng loạt học sinh và cả thầy giáo. Ngày 9-11-1949, học sinh hai trường Khải Định và Đồng Khánh bãi khoá để phản đối hành động khủng bố của giặc, song bọn chúng vẫn không chịu thả người mà càng vây ráp, bắt bớ nhiều hơn, có học sinh bị chúng tra tấn đến chết, rồi dìm xuống cống.

Năm 1950, tôi tham gia một lúc hai đoàn thể là Đoàn học sinh kháng chiến và Ban địch vận của trung đoàn 101. Ngày 9-1-1950, nổ ra cuộc đấu tranh lớn của học sinh - sinh viên Sài Gòn chống địch khủng bố với tấm gương hy sinh anh dũng của anh Trần Văn Ơn. Sau đó là phong trào truy điệu Trần Văn Ơn lan rộng khắp các thành phố lớn từ Nam ra Bắc. Từ ngày 17 đến ngày 23-1-1950, Ban chấp hành học sinh kháng chiến Huế phát động hưởng ứng cuộc đấu tranh của học sinh Sài Gòn. Trước ngày tổ chức lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn, chúng tôi được giao nhiệm vụ tổ chức một cuộc bãi khoá cho học sinh của trường, và được phát 1 quả lựu đạn. Chiều hôm đó, bọn tôi hẹn nhau khi trường sắp đánh trống vào học, tôi sẽ làm nổ quả lựu đạn, còn các bạn khác thì rải truyền đơn. Đúng hẹn, tôi bỏ trái lựu đạn vào túi áo, leo lên tầng hai, rút chốt, rồi ném xuống giữa sân trường. Đó là trái lựu đạn mù nên chỉ gây tiếng nổ và khói bay lên chứ không có khả năng sát thương. Lính Tây bên Trường Khải Định chạy sang sục sạo, nhưng không tìm được manh mối gì, lại lục tục kéo về. Sau này anh Nguyễn Đăng Liễn, học sinh của trường Khải Định có kể lại rằng: “Trong giờ địa lý của thầy Cao Hữu Triêm, thình lình một tiếng nổ lớn, vang lên từ phía dãy lầu Đồng Khánh. Có tiếng la: “Đồng Khánh thả truyền đơn”. Thầy lập tức ra lệnh cho học trò: “Nằm xuống, nằm xuống!”. Chúng tôi không ai nằm xuống cả, chỉ ngồi chồm hỗm. Tôi nhìn thấy từ một cửa sổ lầu một bên Đồng Khánh, năm bảy chục tờ truyền đơn bằng nửa trang giấy học trò bay lả tả trên mái ngói hành lang. Mấy phút sau, chúng tôi lại tiếp tục học, chẳng có ai tỏ ra sợ sệt cả, còn cảm thấy vui nữa là khác”...

Sáng hôm sau, học sinh của cả hai trường Đồng Khánh và Khải Định mặc tang phục áo trắng, tề tựu đông đủ dưới sân trường. Lễ truy điệu Trần Văn Ơn diễn ra ở khu nhà préau. Trên bàn thờ là di ảnh của Trần Văn Ơn, ở giữa chiếc lư đồng toả hương trầm nghi ngút, hai bên là hai băng lụa trắng được giăng cao, trên đó ghi 2 câu đối viết bằng mực đen: “Ai chết vinh, đẹp thay. Ai sống nhục, thẹn thay”. Chị Ngô Thị Liên Hải, học trên tôi một lớp, là người đọc điếu văn. Buổi lễ chỉ diễn ra trong một tiếng đồng hồ nhưng không khí vô cùng trang nghiêm, xúc động, quân Pháp và bọn mật thám cứ lởn vởn quanh đó một cách tức tối, nhưng chẳng làm gì được.

Những chiến công của Đội thiếu niên du kích thành Huế được Nhà nước ghi nhận. Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 1950, đội là đơn vị du kích thiếu niên duy nhất được Nhà nước ta tặng huân chương Quân công hạng ba.

 Sách hiện có tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế. Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc./.

          Ký hiệu phân loại:  895.9223/Đ452T

          Ký hiệu kho:

          - Kho Đọc :  D.771978, D.754778, D.780252

          - Kho Thiếu nhi :  DTN.018874, DTN.018875, DTN.018876

 

Hoài Hương B - Phòng PVBĐ biên soạn và giới thiệu
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày