Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 30.117
Truy cập trong tháng: 101.990
Truy cập trong năm: 460.369
Tổng lượt truy cập: 5.652.747
Lượt truy cập hiện tại: 69

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tái bản bộ sử nhà Nguyễn "Đại Nam thực lục" ấn bản tiếng Việt sau 60 năm
Lượt đọc 3443Ngày cập nhật 8:58 03/06/2022

Nhân kỷ niệm 60 năm (1962-2022) bộ "Đại Nam thực lục" xuất bản ấn phẩm tiếng Việt lần đầu tiên, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội tái bản lần thứ hai bộ sách này nhằm đáp ứng nhu cầu độc giả trong và ngoài nước.

Tái bản bộ sử nhà Nguyễn "Đại Nam thực lục" ấn bản tiếng Việt sau 60 năm
“Đại Nam thực lục - 10 tập” tái bản lần thứ hai. Ảnh: M.Đ

Ngày 2.6, lễ ra mắt bộ sách "Đại Nam thực lục - 10 tập" đã diễn ra tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Ở lần tái bản này, bộ sách giữ nguyên cấu trúc 10 tập, khổ 16x24 cm và in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp trang trọng.

"Đại Nam thực lục" là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm (1821-1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, gồm 560 quyển ghi chép thực toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 19.

Bộ sách được biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tâu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình. Bản được các vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son gọi là "châu bản", bản phó được Nội cách sao chép và truyền cho Quốc sử quán làm tư liệu biên soạn nên "Đại Nam thực lục" khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện đồng thời trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.

"Đại Nam thực lục được viết theo kiểu chép sử, phương pháp biên niên ghi lại những biến cố lịch sử theo từng ngày, từng tháng, từng năm trong hơn 300 năm nên lượng kiến thức rất lớn. Đây là bộ sách được viết trong thời gian dài nhất - 88 năm - từ những người am hiểu lịch sử nhất triều Nguyễn đã tiếp sức nhau để cùng viết. Bộ sách này lớn nhất, bao quát nhiều nhất hơn 300 năm lịch sử nước ta. Từ bộ sách này, giới nghiên cứu cần tìm ra được sự thật lịch sử, đánh giá được thành tựu và cả hạn chế của triều Nguyễn để rút ra những bài học", GS.TS Đinh Xuân Dũng chia sẻ tại buổi ra mắt bộ sách.

GS.TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Vụ trưởng Vụ xuất bản - Ban Tuyên gia Trung Ương. Ảnh: M.Đ

GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: M.Đ

Bộ sách ghi lại những chính sách lớn trong việc hoạch định, phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, khai thác và khẳng định chủ quyền biển đảo, những bài học về thi cử, bổ nhiệm, thăng/giáng chức... Theo PGS.TS Đỗ Bang, "Đại Nam thực lục" là nguồn sử liệu chính thống hàng đầu trong việc nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ 19. Bộ sách này gần như không thể thay thế khi cung cấp những tư liệu khoa học và pháp lý hữu ích trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...

"Thế hệ như chúng tôi, ai cũng sẽ nói khi đã nghiên cứu về triều Nguyễn và đất nước Việt Nam thế kỷ 17, 18, 19 thì đều phải động đến "Đại Nam thực lục". Tôi cho rằng, nguồn tài liệu từ bộ sách này rất lớn, kể cả những người tự nói mình nghiên cứu công phu nhất cũng khó lòng đọc hết 38 tập ở lần xuất bản đầu tiên hoặc 10 tập ở lần tái bản. 

Do đó, cần một sự đầu tư nhiều hơn của từng nhà nghiên cứu, của đội ngũ nghiên cứu để khai thác triệt để "Đại Nam thực lục". Như vậy, sức sống của bộ sách này không chỉ trong 60 năm mà còn rất nhiều năm về sau", PGS.TS Đỗ Bang nói về sức sống của "Đại Nam thực lục".

 
PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Ảnh: M.Đ

Những năm 60 của thế kỷ XX, Viện Sử học đã tập hợp các nhà Hán học uyên bác như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương... để dịch và hiệu đính. Năm 1962, Viện Sử học xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt bộ Đại Nam Thực lục và phải mất 16 năm mới thực hiện xong 38 tập, một công trình dịch thuật đồ sộ được đông đảo độc giả hoan nghênh và đánh giá cao.

MINH ĐỨC

Theo Lao động online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày