Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 31.132
Truy cập trong tháng: 103.005
Truy cập trong năm: 461.384
Tổng lượt truy cập: 5.653.762
Lượt truy cập hiện tại: 187

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bốn năm ở trường Quốc Học Huế: Hồi ký
Lượt đọc 21143Ngày cập nhật 2:12 22/02/2012

Tôi đã học ở trường Quốc Học bốn năm từ năm 1922 đến 1926, cách đây đúng 60 năm.

Bốn năm ở trường Quốc Học Huế
GS Tạ Quang Bửu - Ảnh: vanvn.net

Xin nói một ít về việc học hành của tôi trước khi vào Quốc Học Huế. Tôi sinh năm 1910, đến 1913 tôi vào Tam Kỳ, nơi bố tôi làm giáo thụ, tôi học trường Tam Kỳ 3 năm, cả chữ Hán, cả chữ Pháp cho đến 1916 có khởi nghĩa Duy Tân, Pháp trấn áp thẳng tay, từ nhà giáo có thể nhìn thấy anh em khởi nghĩa trèo lên ngọn cờ bên phủ treo cờ, nhưng lính tập kéo tới bắn lên, người kéo cờ rơi xuống và hôm sau nhà giam của phủ đầy người bị giam. Lúc đó chúng tôi gọi họ là giặc và rất sung sướng được đứng nhìn họ mang gông ăn một nắm cơm, có vài con cá khô, nhưng rất ngon lành làm cho mình phải thèm chảy nước miếng. Năm đó là 1 năm loạn lạc dân đói ăn mày, rất nhiều người đem con ra chợ bán. Bố mẹ tôi cũng mua một em, đặt tên là Bình, gọi là Bường, sau lớn lên lấy ông Nghè Nhu. Năm 1917 ở Phủ có tổ chức một khoa thi cho các em độ 7 tuổi, thi cả chữ Hán, cả toán cả tiếng Việt. Tôi cũng thi như các em khác, do ông Đốc học Đinh Văn Chấp chấm và tôi đỗ cao và nhờ đó được tiếng học giỏi. Bố tôi cho tôi ra tỉnh Quảng Nam học với thầy Dương Cung. Tôi học đến lớp Moyen ở Quảng Nam và FaiFo - chương trình có cả tiếng Pháp và chữ Hán. Đến năm 1919, nhà nước bãi khoa thi hương. Pháp thắng Đức năm 1918, và lấy ngày 11-XI làm ngày chiến thắng. Bài thi hương thì chỉ còn họa tiếng Pháp, muốn học nữa phải ra Huế. Đường ra Huế phải đi qua đèo Hải Vân và phải đi bằng những phương tiện như cáng, xe ô-tô, hoặc đi đường bể. Từ Tam Kỳ ra Quảng Nam chúng tôi đi xe tay, nhưng có lúc đi đò ra tỉnh. Còn đi Huế lúc đó chúng tôi lấy đò ở Vạn Tam Kỳ rồi cho ra bể đi quá cửa Tư Hiền, đến cửa Thuận rồi vào Cửa Thuận đi ngược lên Sình, Bao Vinh, rồi dọc sông Đông Ba, chúng tôi vào Hàng Bè, đỗ gần trường Queignec, và bố tôi và tôi ghé lên đấy. Mẹ tôi đi cách nào không nhớ nhưng đến lúc tựu trường tôi thấy cả gia đình đều ở Huế, trọ một nhà nhỏ làm nghề khảm xà cừ gần trường Queignec. Bố tôi xin tôi vào lớp Nhất do thầy Phạm Văn Nhu phụ trách. Thầy dạy giỏi nhưng bạt tai cũng rất dữ. Tôi chỉ vất vả vài tuần nhưng theo kịp, đứng dần khá cao đến mùa thi tiểu học năm 1922 tôi đỗ thứ 22. Rồi nộp đơn vào Quốc Học tôi thi đỗ khá cao, thứ 11. Đỗ đầu năm chúng tôi có thể là anh Phan Thanh (tôi không nhớ rõ lắm), nhưng đỗ đầu năm trước tôi nhớ chắc chắn là anh Trần Đăng Khoa; trường năm tôi vào là anh Đào Duy Anh, đỗ đầu Diplôm. Tôi nêu những tên này vì các tên đó được nhiều người nói đến như là những cái gương đáng theo. Họ giỏi những môn gì nên học các môn đó, v.v...

Ở tuổi đó chúng tôi không biết gì về đường lối giáo dục ở Đông Dương, và cũng không hề nghe nói về nó. Vì chúng tôi học tiếng Pháp nên bố mẹ tôi không có ý kiến gì về môn học, cách học, miễn là con học được, có điểm cao vào thi gì đỗ nấy. Như vậy học cái gì là do chúng tôi hoàn toàn tự do quyết định. Theo thứ tự A, B, C, tôi được phân vào năm thứ nhất A, cùng với anh Lê Dung, nhà thơ Khương Hữu Dụng, anh Hồ Đắc Cáo v.v... Các anh Phan Thanh, Nguyễn Học Sỹ, Trịnh Thống, vào năm thứ nhất B và từ đó tôi không gặp lại nữa cho đến ngày thi ra trường.

Các thầy dạy chúng tôi lúc đó là những người Pháp thường đã đỗ bien supérieur, hiếm lắm mới có một ông tú, hay là một ông cử, như ông Bourotte. Họ dạy một cách máy móc, cốt cho học sinh học thuộc lòng những quy tắc kinh điển. Chúng tôi học những môn nào có hệ số cao trong các kỳ thi học kỳ, thi lên lớp, thi tốt nghiệp. Chúng tôi cũng học chăm chỉ với các thầy biết tôn trọng học sinh xem họ là người, không đánh đá, không quá thô bạo. Chúng tôi thường thích các môn sử và địa vì các môn đó rất có ích cho việc học giỏi tiếng Pháp. Học địa lý, anh nghe tả về nước Pháp, về 89 địa phương của nó, về các nước khác như Anh, Đức, Mỹ v.v... Học sử anh nghe nói về người Pháp, về quan hệ giữa họ với nhau và nói về nước họ không thể nói xấu, điều mà chúng tôi không được làm, vì chúng tôi không thấy cái lố lăng của câu "nos ancêtres étaient des gaulois". (Tổ tiên của chúng ta là những người Gô loa). Chúng tôi không thích học toán vì thầy Dubois hay đánh và hay đá đít, thầy Bruel hay nói tào lao. Chúng tôi không học khóa học tự nhiên (histoire naturelle) mà thầy chỉ mô tả lần lượt một số thực vật chăn nuôi hoặc thú rừng mà thầy và trò đều chưa và sẽ không bao giờ nghe và thấy. Ở Huế không có vườn bách thú hay bách thảo. Chỉ có nhà riêng của một anh quan cao cấp, tên là Jabouille có nuôi một số công, trĩ, mà khi đi ngang chúng tôi đứng ngoài hàng rào nhìn vào. Chúng tôi có học vật lý, hóa học trong cái gọi là bài học về vật. Chúng tôi có một ông thầy tên là Surrugue, có thể dạy về vật lý và tôi đã học về cái pile với ông ấy. Không có gì lạ trong việc chúng tôi học về pile. Đây là những đối tượng dễ gặp nhất, đồng tiền Khải Định là bằng kẽm hoặc bằng đồng, đồng bạc là bằng bạc, dấm cũng khá dễ tìm. Dây đồng cũng không khó lắm. Các bóng đèn 2,5 V cũng tìm được khá dễ dàng. Có pile là có điện, có điện là có đèn sáng lóe. Chúng tôi thích điện vì nó có thể đi xa, rất xa. Đó là cái lãng mạn của tuổi trẻ. Cái gì không thí nghiệm được thì chúng tôi bố trí "như là nó chạy". Chúng tôi cũng thích vô tuyến điện. Tôi tìm đâu được một ống têlêphôn. Thế là trong vườn tôi dựng lên hai cột tre. Tôi lấy hai núm bằng sứ, nối dây cột hai núm sứ ấy lại, lấy một sợi dây đồng cột vào hai núm sứ, dựng hai cây tre lên là có một ăngten. Chúng tôi nối dây ăngten với ống têlêphôn rồi để têlêphôn lên tai, chúng tôi làm ra vẻ nghe mặc dù không nghe ra gì cả. Đấy có thể gọi là "Thí nghiệm tưởng tượng". Rồi chúng tôi theo sách làm ra Coliereur của Branly, nhưng cũng không nghe được gì. Nhưng cái bài giảng thì chúng tôi thuộc dễ dàng. Sau này học về cơ học lượng tử gặp các thí nghiệm tưởng tượng chúng tôi cũng dễ hình dung và làm quen. Có thể tóm lại rằng: chân lý là cái gì chúng tôi đã học thuộc lòng. Thực nghiệm là ghép những cái gì chúng tôi tìm được theo mô hình các sách giáo khoa. Thực nghiệm là rất cần thiết, nếu khó làm thực nghiệm thì phải bàn cãi cho ra. Trong lớp có anh Lê Viết Khoa, học hóa rất nhiều. Chiều tối chúng tôi rủ anh ấy lên cầu Đông Ba hóng và thảo luận về hóa học. Rồi anh ấy được cử sang học ở Lyon, đỗ tấn sĩ khoa học.

Trên kia đã nói lúc đó rất ít người có xe đạp. Cả trường chỉ có một học sinh đi xe đạp, đó là anh Hồ Đắc Các, con cụ Hồ Đắc Hàm, ở Bàu vá. Còn tôi thì phải đợi đến khi đỗ Diplôm xong mới tập đi xe đạp. Một số anh em chúng tôi đến một hiệu cho thuê xe đạp, thuê một chiếc rồi đưa nhau ra trước cửa Ngọ Môn, người này đẩy người kia, tập cho đến khi không cần người chạy theo đẩy mà xe vẫn đi, mới thôi. Mãi sau khi đi Pháp về mới có đủ 35 đồng đến nhà hàng Thái Lợi mua được chiếc xe đầu tiên và từ đấy mới bắt đầu đi thạo.

Như vậy là các năm học ở Quốc Học chúng tôi chỉ có một cách đi lại, là đi bộ, thành thử vấn đề chỗ ở là rất quan trọng. Mẹ tôi bán hàng xén gần cửa Đông Ba, bố tôi dạy chữ Hán ở các trường phổ thông của thành phố, lương khá thấp. Bố tôi lại hay đánh bạc hay thua nên kinh tế rất khó khăn, túng bấn. Chúng tôi không có tiền thuê nhà theo ý muốn, nên đã đổi chỗ ở mấy lần. Lúc đầu chúng tôi ở Hàng Bè giữa nhà của bà Đỗ Vĩnh và hội Quảng Tri. Sau lưng nhà tôi có một rạp tuồng, mà hai cô đóng vai "Đào" lúc đó, cô Vĩnh và cô Cháu là những hoa khôi đối với chúng tôi. Sau đó tôi vào ở trong cửa Đông Ba gần đường hơn anh Hoàng Minh Giám, cho đến khi ra Hà Nội học, chúng tôi chuyển đến nhà ông Băng Tấn, cho chúng tôi dùng một chái. Nghèo nhưng lại có điện. Vì ở xa trường như vậy nên phải tìm chỗ ở trọ. Năm đầu tôi trọ ở một dãy trại các công chức của Phủ Thừa, Phủ Doãn, rồi tôi được ông Phủ Thừa, Lê Trung Khoản, cho ở nhờ. Lên năm thứ ba tôi được ông Phủ Doãn, bố anh Nguyễn Thúc Hào cho ở nhờ. Anh Nguyễn Thúc Hào, nhờ cụ Nguyễn Thúc Dinh là người khoa bảng lại rất ngăn nắp đã bố trí cho anh Hào học rất chu đáo. Tôi cùng ở với anh Hào và anh Tùng, hiện nay là Thiếu tướng Nguyễn Thúc Tùng. Cả hai anh đều ngăn nắp sạch sẽ, nhưng tôi không theo gương các anh ấy, mà các sách vở của tôi vẫn rất lôi thôi, luộm thuộm.

Tuy nhiên, tôi vẫn học giỏi, và cái tiếng học giỏi ở Quốc Học đồn đi rất xa, và được tin cậy ở rất nhiều nơi. Có những hôm, vì những lý lẽ nào đó, như nhà có lễ cúng, nhà có khách, tôi không đi học bằng đường bộ được, phải đi tắt qua đò Thừa Phủ. Chúng tôi lên đò trước cửa Thượng Tứ rồi nhảy lên bến Thừa Phủ, đi học chạy bộ một đoạn. Ở bến đò Thừa Phủ chúng tôi thường dừng lại, nhìn xuống dưới bến, thấy cảnh sinh hoạt mới rõ rằng ở Huế còn có người khổ hơn chúng tôi, phải làm những nghề vất vả và xấu hổ hơn nhiều. Chúng tôi không kịp suy nghĩ nhiều vì phải chạy đi học cho kịp. Nhưng cũng có khi trong túi mẹ cho vài "giác". Chúng tôi ăn "hàng". Hàng lúc đó là các thứ chè đậu xanh, đậu ván, chè đậu đen, chè hột sen, hoặc thú nhất là cơm hến. Có một món hàng rất Huế mà người rao là một cụ già rao "ô ầy mè xù" những xâu thịt rán thơm phức - Một hàng nữa là các rổ bánh nậm, bánh bèo, bánh đúc, quệt một ít mỡ vào, rất ngon, rất béo, nếu có tôm chấy càng thơm. Trong các thầy của chúng tôi có một số thầy người Việt. Quan trọng nhất là thầy Hoàng Gia Đức, con ông Hoàng Mạnh Tú, cùng là một nhà giàu của Hà Nội. Ông Hoàng Gia Đức đỗ tú tài ở Pháp, ông đọc tiếng Pháp rất hay, hay hơn cả thầy Tây! Ông chọn những bài Pháp văn rất hay và đọc cho chúng tôi nghe. Chúng tôi nghe như bị bùa mê, và mãi đến bây giờ tôi vẫn nghe giọng của thầy đọc Mateo Falcon - Năm 1977 anh Frederic phạm bố trí cho tôi đi dự ở Carghese, tôi đi chuẩn bị đi để tìm lại, Columba, Mateo Falcon. Nhưng rồi sau vì cao huyết áp, không đi, vẫn tiếc. Một thầy ta nữa mà ảnh hưởng đến chúng tôi rất sâu là cụ Võ Liên Sơn, dạy chữ Hán. Cụ nghiêm lắm. Một hôm ở lớp tôi ngồi bên cạnh Hồ Đắc Cáo, anh nầy trắng trẻo rất đẹp trai. Chúng tôi vô tình áp má với nhau rất thú vị. Thầy nghiêm giọng: "Bửu!" Chúng tôi ngồi lại nghiêm ngay. Thầy không nói gì thêm, và tôi nhớ suốt đời lời cảnh cáo đó, về sau ở chiến khu thầy có ra thăm Bác Hồ. Bác Hồ giao cho anh Phan Mỹ ra đón. Anh Phan Mỹ phải đi mấy cây số đến nơi cụ nghỉ. Anh Mỹ nói thế nào không rõ chỉ nghe cụ nói: anh chỉ đi vài chục cây số, chứ tôi đã lội hàng mấy trăm cây mới ra tới đây! Dù sao cụ cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến anh Võ Nguyên Giáp. Tôi chỉ nhớ rằng thầy ở trên dốc Bến Ngự. Mỗi năm đến tết, mẹ tôi sắp một quả đầy bánh Thuẫn, cho tôi tiền thuê xe lên dốc Bến Ngự rồi đội rổ bánh đến nhà cụ Võ, biếu cụ, rồi về. Chúng tôi trọng thầy Sơn như vậy nhưng rốt cục chúng tôi học chữ Hán rất ít, không nhớ có nội dung gì. Một thầy khác mà đến giờ tôi còn nhớ là thầy Tôn Thất Sa, một họa sĩ có những tranh thuốc nước trong tờ "Amis du vieux Huế" thầy dạy chúng tôi về phối cảnh (Perspective). Tôi còn nhớ đường chân trời, các đường trốn (ligne de fuire), nhưng chả hiểu gì cả. Một thầy nữa là thầy Toại dạy tiếng Việt bằng tiếng Pháp, cũng để lại rất ít ký ức. Trong các thầy dạy chúng tôi nên dành một số dòng cho các thầy dạy Pháp văn. Họ thường văn minh hơn các thầy dạy các môn khác. Ngoài ông Hoàng Gia Đức mà tôi đã nói rồi, có các cô Chevey, cô Falconet, và thầy Vannier. Cô Chevey thì luôn luôn đội mũ, hình như vì cô không có tóc. Cô dạy rất khô khan và biến lớp học thành một lớp máy móc dạy thuộc lòng một số quy tắc ngữ pháp. Cô Falconet trẻ và xinh, nhưng không có gì đáng nói. Thầy Vannier là thầy chúng tôi nhớ nhiều nhất. Thầy đi xe đạp đua. Lúc đầu thầy ở gần nhà thương, sau lên gần cầu Bến Ngự ở một cái nhà hai tầng. Thầy luôn luôn có một phòng tiếp học sinh, có chè bánh sẵn sàng. Thầy luôn dành một số sách đẹp, báo, tập san làm quà cho học sinh. Nhà thầy khá xa trung tâm nên khá vắng vẻ, dễ tiếp chuyện - Thầy ở gần một dãy cây rất quý, là cây jingko bilabia đến một trận bão bị bẻ gẫy hết.
 

Sau một phiên họp Chính phủ tại Chiến khu Việt Bắc - 1949. GS. Tạ Quang Bửu (người thứ năm từ trái sang, hàng cuối). - Ảnh: internet

Nhân nói về các thầy dạy Pháp văn tôi xin nói một tí về một cái mà tôi cho rằng có ảnh hưởng tai hại đến một số trong chúng tôi, tức là về vấn đề "độc đáo". Thầy hay khen tính "độc đáo" (Original) của một bài hay là của một người. Độc đáo có nghĩa là không lặp lại của người khác, hoặc không lặp lại những điều bản thân mình đã nói trong một trang trong một bài, hay là trong một công trình. Do đó để có vẻ độc đáo ta đi đến "độc đáo hình thức" không chú ý gì đến nội dung. Làm việc với Bác Hồ, hoặc với anh Tô, chúng tôi thấy nếu nội dung là tốt thì khi cần ta phải lặp lại, dù lặp lại nhiều lần. Cái tai hại ở đây là, chạy săn đuổi theo cái lặp lại ta không chú ý đến nội dung, và quên rằng cái chính là nội dung, cái phải tìm cho ra, là nội dung. Tìm cái độc đáo hình thức trong văn học ta dễ dàng mở rộng ra các khoa học khác, và cả trong khoa học tự nhiên, lố bịch là trong cả toán học. Kết quả đáng buồn là nhầm lẫn "lập dị" và sáng tạo. Vì tôi cho rằng đây là cái tật của những thầy dạy Pháp văn cho nên tôi cũng cho rằng các anh em thanh niên bây giờ, do được học bằng tiếng Việt từ phổ thông đến đại học, đã và sẽ dễ dàng tránh được bệnh hoạn này.

Lúc đó tôi trẻ hơn các bạn cùng lớp khá nhiều. Cái trẻ có cái hay là anh dễ tiếp thu cái mới nhưng cái dở là anh có quá ít vốn về cuộc sống. Bố tôi đỗ cử nhân, họ không có ý định bổ làm quan ngay và giữ lại học hậu bổ vài năm. Bố tôi đã học về kinh tế chính trị của Pháp lúc đó. Ông để lại những quyền vở về économic politique (kinh tế chính trị) ghi chép rất đầy đủ và chữ khá đẹp. Chúng tôi không hiểu nổi các bài đó, nhưng bố tôi nói, các cụ nghe rồi bàn cãi với nhau khá sâu về nội dung. Tức là các nhà khoa bảng cũng có một trình độ nào đó, hơn anh em học diplôm rất nhiều, mà càng hơn anh em trẻ học diplôm như tôi.

Trong những người lâu lâu lui tới nhà tôi ở Huế có hai nhân vật đặc biệt là o Thanh và cậu cả Khiêm. Hai người chúng tôi đã gặp ở Tam Kỳ trước đây (khoảng 1917). Một hôm hai người nầy được dẫn vào Quảng Ngãi để giam ở đấy. Ngang Tam Kỳ, biết bố tôi là một ông cử người Nghệ họ muốn vào thăm. Và họ được phép dừng lại vài hôm. Lúc đó o Thanh nói chuyện về văn học với mẹ tôi, là một bà hay chữ. Còn cậu Khiêm thì nói chuyện với tôi. Sau khi thăm dò ít câu cậu cho biết: nghe nói mi học khá tau phải cho mi biết về cây rau muống. Đây là một cây rất quý. Nó rỗng nên ít vướng phàm tục, ăn nó không bổ béo nhưng thông minh hơn. Mi cứ cố gắng học và chịu khó ăn rau muống. Ăn càng nhiều càng nghe người nhẹ nhàng, thông minh. Tôi rất thích vì lúc đó ngoài rau muống ở Tam Kỳ chỉ có cái gọi là "rau đắng" ăn hơi tanh tanh, không bằng rau muống. Ở Huế cả hai người đều bị giam lỏng. Không ai dám tiếp vì nếu tiếp sẽ bị liên quan, mà không tiếp thì bị cho là nhát gan, sợ Tây. Cậu cả Khiêm sống lang thang ở các đền chùa, lâu lâu mới xuống núi, và đến nhà tôi. Cô Thanh bị đưa vào Mang Cá tức là nơi đóng nhiều lính Pháp. Thỉnh thoảng cô đến nhà tôi. Lúc đến cô rất vui vẻ, ăn nói đàng hoàng. Năm 1945 ra Hà Nội, tôi thường ngồi với Bác và cả anh Vũ Kỳ trong phòng làm việc của Bác ở Bắc Bộ phủ. Một buổi sáng cụ Cáp đến chơi, nói với tôi: "ta đi ra, vì Bác sắp tiếp cô Thanh". Tôi ra ngoài, thấy cô vào rồi nghe: "hắn đó! hắn đó! tai của hắn" (Lúc nhỏ Bác hay đi câu cá với một người bạn trẻ, Người bạn kéo cần câu lên lưỡi câu vướng vào tai của Bác nên tai bị vết sẹo nhỏ). Hai chị em ngồi chuyện trò với nhau một lúc, nhưng Bác phải tiếp khách nên Bác xin lỗi cô Thanh. Cô ấy rút từ trong túi ra một quả trứng vịt, một nắm xôi tỏ ý rằng mình đã tự chuẩn bị bữa ăn trưa rồi. Rồi cô về nghỉ ở nhà người quen. Tôi không nhắc lại với Bác Hồ về câu chuyện này và Bác cũng không nhắc tới.

Kỷ luật ở trường Quốc Học khá nghiêm, tuy các thầy có thái độ lịch sự, nhưng tất cả đều tập trung vào một người là Tổng giám thị. Ông ta đi lù lù, gặp phải học trò trốn học ra chơi, hoặc rắp ranh chảy qua tường chạy đến chợ Bến Ngự mua quà v.v… thì ông đánh, đá đít, rồi ghi vào sổ. Dưới ông có một số giám thị người Việt trong đó có thầy Lê Viết Lượng. Bản thân tôi không gặp ông Lượng nhưng có nghe nói đến, nhất là sau cách mạng ông là Chủ tịch tỉnh Nghệ An, rồi làm Tổng giám đốc Ngân hàng. Tôi không ở Quốc Học năm có phong trào làm neo, nên không rõ nó bắt bớ, giam tù học sinh thế nào, chỉ biết em tôi bị đuổi phải đi học chữ Nho, nhờ cụ Phan nuôi và dạy.

Năm 1925 có ba sự việc lớn. Một là cụ Phan Bội Châu về nước, bị đưa vào Huế giam lỏng. Nó tổ chức cho cụ đến nói chuyện ở trường Quốc Học, cụ nói gần hai tiếng đồng hồ về "Pháp Việt đề huề". Anh em chúng tôi nghe chỉ phục người ta có thể nói hàng giờ bằng tiếng Việt, còn về nội dung thì chưa hiểu, hơi thất vọng vì thấy cụ không nói gì đến chủ nghĩa cộng sản. Rồi nó đưa cụ lên dốc Bến Ngự ở một cái nhà tương đối rộng. Lâu lâu Sogny gửi thư cho cụ: "Mật thám tòa thủ hiện xô, thỉnh Phan tiên sinh, huệ lai bổn tòa". Mẹ tôi vì đồng hương Nam Đàn có lên nấu cơm hầu cụ một vài hôm, rồi gửi em tôi học chữ Nho ở đây vài năm. Việc lớn thứ hai là cả hai anh Nguyễn Thúc Hào, Võ Nguyên Giáp đều đỗ vào trường, anh Hào đỗ đầu, anh Giáp đỗ thứ hai. Anh Giáp là một học sinh nhỏ nhắn, rất khôi ngô, nét mặt rất thông minh. Chúng tôi cùng với nhau đi nghe Phạm Quỳnh ở hội Quảng Tri. Anh Giáp đã hoạt động chính trị, nghe Phạm Quỳnh rất chán, còn tôi muốn nghe một người trí thức nói tiếng Việt có tiếng là hay, nhưng cũng rất chóng chán. Chúng tôi rất thất vọng về mặt học thuật, tôi chưa đủ ý thức để thất vọng về chính trị.

Việc lớn thứ ba là bố tôi mất ngày sáu tháng tư âm lịch năm đó. Tôi đang ở nhà anh Hào bỗng có người chạy đến gọi tôi về vì sáng hôm ấy bố tôi thổ huyết, có người đi qua đường vực dậy. Bố chết mà tôi không hiểu gì cả, chưa biết thương bố một cách sâu sắc. Khi họ cho tôi về cho mặc áo xô, bịt khăn trắng, năm dưới đất để họ khiêng quan tài đi qua người rồi mới cho đứng dậy. Đêm đầu tôi đang năm đợi sáng hôm sau đưa lên thuyền chui qua dưới cầu Thăng Long đưa lên chôn ở Bến Ngự, giữa đêm nghe tiếng hét to của cô chị nuôi trong nhà nói rằng bố tôi hiện về đang nhảy từ nơi này đến nơi khác trên nóc nhà. Tôi sợ run và mẹ tôi phải trấn tĩnh chị An, mãi chị mới yên ngủ. Chôn xong, tôi trở về học lại nhưng biết rằng sau này sẽ còn khổ hơn. Một số bạn của bố tôi bày cho cách xin học bổng. Tôi viết đơn bằng tiếng Pháp. Tôi mặc khăn áo chỉnh tề, mang đơn lên tòa khâm. Giúp tôi lúc đó là ông Lê Thanh Cảnh. Theo sự chỉ dẫn rất ân cần của ông tôi đến một phòng, có một anh Tây trẻ chưa đến 25 tuổi. Tôi khúm núm lại gần, với lá đơn trong tay. Không thấy anh Tây làm gì cứ tiếp tục lấy tay nhổ râu. Rồi một bạt tai trời giáng tôi đau quá chỉ nhớ có một người Việt Nam đi vào nói tiếng Pháp với anh Tây. Sao ông lại đánh nó? Nó không cất khăn tang, chứ không phải nó không cất mũ! Tôi cứ để lá đơn trên bàn rồi lui về. Vài hôm sau tôi được đến tòa khâm, gặp ông khâm Pasquia. Ông cho biết đơn xin học bổng của tôi được chấp nhận và tôi được cấp học bổng, nhưng phải vào ở nội trú. Thế là tôi vào nội trú. Mẹ tôi sắp xếp các áo quần còn tương đối lành, cho thêm một ít thứ bỏ vào rương rồi thuê xe tay vào trường Quốc Học.

Hè 1926 tôi thi diplôm ra trường. Cùng thi với tôi có những học sinh Quốc Học từ 1922; có những học sinh từ Quy Nhơn ra năm 1924, và có những học sinh từ trường Vinh. Trong các người từ Quy Nhơn ra có Ngô Xuân Trạc, Lê Đình Quy, Huỳnh Tấn Đối. Học sinh từ Vinh có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Tỷ. Thi viết xong vào vấn đáp gặp Hoàng Xuân Hãn và chúng tôi thấy ngay rằng anh hơn chúng tôi rất nhiều về các môn. Rồi Ban giám khảo công bố kết quả: Nhất là Hoàng Xuân Hãn với 359,5 mention bien (giỏi), sau là Ngô Xuân Trạc và Tạ Quang Bửu 259,5 mention assez bien (khá giỏi), rồi đến Phan Thanh cũng mention assez biên. Anh Hãn hơn chúng tôi đến 100 điểm. Ra Hà Nội anh có ở Bưởi hay không thời gian ngắn không nhớ. Nhưng hè 1927 anh thi tú tài phần thứ nhất, sang học ở Albert sarraut, hè 1928 anh thi Mathe (toán) vượt chúng tôi một năm, được xếp cùng khóa với anh Nguyễn Xiển.

Dù sao thì chúng tôi cũng ra trường, kết thúc tốt đẹp 4 năm học ở Quốc học, sau này có về lại cũng là để dạy từ năm 1945. Các học trò của tôi sau khi Nhật đảo chính Pháp là các anh Phạm Khuê, Lê Văn Chiến, Trần Kỳ Doanh, Mai Xuân Tần v.v…

TẠ QUANG BỬU
               

 

Theo Tạp chí Sông Hương online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày