Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 31.415
Truy cập trong tháng: 146.317
Truy cập trong năm: 504.696
Tổng lượt truy cập: 5.697.074
Lượt truy cập hiện tại: 315

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này – Kỳ 3: Thành phố mắt đêm đèn vàng
Lượt đọc 2241Ngày cập nhật 9:32 06/04/2021

 Đó là câu hát trong bài Biển nhớ mà Trịnh Công Sơn từng thổ lộ rằng: "Tôi viết cho những đường phố Quy Nhơn".

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 3: Thành phố mắt đêm đèn vàng - Ảnh 1.

Chàng giáo sinh Trịnh Công Sơn (người đứng, đeo kính) trong những ngày học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn - Ảnh: tư liệu

Trịnh đã đến đó học Trường Sư phạm Quy Nhơn, chỉ hai năm thôi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong hành trình 62 năm "hát rong qua miền đất này". Chúng tôi trở lại "thành phố mắt đêm đèn vàng" và khám phá thêm nhiều chuyện thú vị về anh giáo sinh Trịnh Công Sơn.

Người tình của Quy Nhơn

"Với Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn không phải người chủ, cũng không phải là người khách, anh là người tình của phố biển mắt đêm đèn vàng. Một vì sao lạ lạc xuống bầu trời Quy Nhơn". Phạm Cao Viết Hiền, nhà báo đất Quy Nhơn xuất thân họa sĩ, đã nói như thế về một người mà dân Quy Nhơn xem như tình yêu của mình. 

Hiền bỏ ra nhiều ngày cùng tôi lần tìm lại những dấu chân Trịnh trong những ngày "lang thang trên đường phố Quy Nhơn một mình, đánh billard ở đường Võ Tánh, một mình nằm ngủ trong căn nhà trọ..." như lời tự sự của nhạc sĩ.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến dĩ nhiên là Trường Sư phạm Quy Nhơn dưới sự hướng dẫn của nhà văn Ban Mai, tác giả cuốn sách Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng, vừa là cựu sinh viên vừa là cựu giảng viên Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. 

Ban Mai đưa chúng tôi vào thăm khu giảng đường của Trường Sư phạm Quy Nhơn, nơi chàng giáo sinh Trịnh Công Sơn năm xưa ngồi học, nay khu nhà ấy vẫn còn giữ nguyên. Trên bãi biển mà Trịnh đã cùng ngồi bao đêm với bạn bè và người con gái "trời cao níu bước sơn khê", người ta cũng vừa dựng bức tượng nhạc sĩ có khắc bài Biển nhớ sáng tác vào năm 1962 tại đây.

Theo hồi ức của Trịnh Công Sơn, chúng tôi tìm lại ngôi nhà số 70 đường Gia Long xưa (nay là đường Trần Hưng Đạo), nơi Trịnh thuê trọ những ngày đầu tiên đặt chân đến Quy Nhơn. Nhà giáo Trần Đình Trắc, cựu giáo chức Trường Sư phạm Quy Nhơn, cho biết chỗ ngôi nhà trọ đó nay là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, ngay ngã ba Trần Hưng Đạo - Hàn Thuyên. 

Theo hướng dẫn của thầy Trắc, chúng tôi quay lại quảng trường có tượng đài Quang Trung để tìm lại quán Phi Điệp nổi tiếng một thời. Đó là nơi chàng giáo sinh Trịnh Công Sơn thường đến và diễn ra một cuộc chạm trán đầy chất kiếm hiệp với Thành" đầu bò", trùm du đãng Quy Nhơn, mà nhà thơ Lê Văn Ngăn đã kể.

Chàng giáo sinh điểm 3 môn âm nhạc

Trong chuyến trở lại Quy Nhơn lần này, chúng tôi được nhà giáo Trần Đình Trắc cung cấp nhiều thông tin thú vị về chàng giáo sinh Trịnh Công Sơn. Thầy Trắc nguyên là trưởng phòng hành chánh - quản trị nhân viên của trường này từ tháng 11-1963 đến năm 1975. 

Thầy Trắc kể khi Trịnh Công Sơn vô học trường này anh đã nổi tiếng bởi nhạc phẩm Ướt mi do ca sĩ Thanh Thúy trình diễn từ năm 1959, cùng với các nhạc phẩm Thương một người, Tuổi đá buồn, Diễm xưa đã phát hành rộng rãi.

Một lần bài kiểm tra âm nhạc của Sơn bị thầy Võ Sum cho 3 điểm, Sơn rất buồn và tỏ ý bất bình. Tôi chứng kiến sự việc nên mới hỏi thầy Sum: "Sơn là nhạc sĩ tài ba vậy mà sao bài kiểm tra âm nhạc có 3 điểm, có nhầm không?". Thầy Sum trả lời: "Cái đầu tôi đánh giá việc này không sai đâu". 

Sau đó, trong một cuộc họp của nhà trường, thầy Võ Sum đã phân tích cụ thể việc này. Cuộc họp dự kiến chỉ trong hai tiếng buổi sáng chủ nhật nhưng kéo dài đến 4h chiều mới xong.

Sau bữa đó, Sơn rất quý thầy Sum. Viết bài nào cũng đưa thầy góp ý. "Tôi nghĩ những sáng tác của anh Sơn trong thời gian hai năm ở Quy Nhơn có không ít đóng góp của thầy Sum". 

Thầy Sum nguyên là tu sĩ Thiên Chúa giáo, rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Latin và nhạc lý căn bản. 

Thầy dạy môn giao tế xã hội, Pháp văn và dạy cả âm nhạc, về sau thầy làm giám học của trường. Thầy là người có công lớn tạo nên thành công vang dội cho đại nhạc hội của trường, tại đó lần đầu tiên trường ca Tiếng hát dã tràng của Trịnh Công Sơn trình diễn.

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 3: Thành phố mắt đêm đèn vàng - Ảnh 2.

Trịnh Công Sơn (người cầm micrô) tại cuộc hội ngộ bất ngờ ở cà phê Thu Vàng năm 1998. Người đứng sau là cô Thu Trang, chủ quán - Ảnh: tư liệu

Cuộc tái ngộ sau 33 năm

"Gần 30 năm tôi chưa trở lại Quy Nhơn. Cái ý niệm về thời gian bao giờ cũng gây cho tôi một nỗi buồn. Dạo đó tôi còn trẻ và tôi yêu biển vô cùng... Điều ấy bây giờ đã trở thành quá khứ nhưng trong tôi Quy Nhơn vẫn còn rõ như một tấm gương. Một tấm gương mà tôi có thể nhìn thấy tôi trong ấy". 

Trịnh Công Sơn đã tâm tình như thế vào một ngày của năm 1988, tức 24 năm sau khi ông rời Trường Sư phạm Quy Nhơn (1964) lên cao nguyên B’Lao (Lâm Đồng) làm ông trưởng giáo, rồi trôi đi mải miết theo những biến động của đất nước. 

Ông nhớ da diết "thành phố mắt đêm đèn vàng" và "có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của ngày xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động". Nhưng phải đến 10 năm sau (1998), ông mới thực hiện được dự định đó.

"Không thể quên được buổi sáng hôm đó. Anh Sơn bước vào quán Thu Vàng, rất nhẹ nhàng và quá bất ngờ không thể tin nổi". Thu Trang, chủ quán cà phê Thu Vàng nổi tiếng một thời ở Quy Nhơn vì chuyên chơi nhạc Trịnh, nhớ lại. 

Hồi đó, quán nằm trong khuôn viên Đài truyền thanh Quy Nhơn (số 70 Trần Cao Vân). Cơ duyên bắt đầu từ tám tháng trước đó, quán Thu Vàng tổ chức chương trình "Lời chúc lặng lẽ" để kỷ niệm sinh nhật thứ 59 của Trịnh Công Sơn (28-2-1998). 

Một nhà báo từ Sài Gòn ra Quy Nhơn, tình cờ ghé vào quán Thu Vàng và kể lại đêm sinh nhật lặng lẽ đó trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Một người bạn đến thăm Trịnh Công Sơn ở bệnh viện và tặng tờ báo cho ông. Và tám tháng sau, ngày 3-10-1998, Trịnh Công Sơn đã có mặt ở Quy Nhơn và tìm đến ngay quán Thu Vàng.

Nghệ sĩ Phạm Ghi, chủ nhân "Dạ quán Trịnh Công Sơn" ở Quy Nhơn hiện nay, lúc đó là người phụ trách ban nhạc của cà phê Thu Vàng, nhớ lại: "Sáng hôm đó, tôi đến quán một lúc thì thấy nhạc sĩ Tôn Thất Lập bước vào. 

Ngồi nói chuyện với anh Lập một lát thì thấy xe thồ dừng lại trước quán. Một người ốm gầy, đội mũ vải mềm bước vào với nụ cười hiền từ. Ôi, anh Trịnh Công Sơn thật đó à. Người mà cả thành phố Quy Nhơn tôi tự hào vì đã viết bài Biển nhớ. Tuần nào chúng tôi cũng chơi nhạc của anh". 

Quán buổi sáng vắng vẻ, nhưng chỉ một lát sau người ở đâu kéo đến đông kín. Trịnh kể lại chuyện thời trai trẻ học ở Quy Nhơn, lang thang với phố phường và viết bài Biển nhớ. Rồi anh cầm đàn hát, nhưng hát bài Diễm xưa.

Đêm đó, Trịnh Công Sơn cùng nhóm Những người bạn đã có một đêm ca hát và giao lưu với sinh viên Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn mà tiền thân là Trường Sư phạm Quy Nhơn. Rồi Trịnh còn ca hát và giao lưu với khán giả Quy Nhơn ở hội trường lớn, bây giờ là Trung tâm văn hóa - điện ảnh, nơi có quán Phi Điệp đã từng lưu dấu ấn thời "Biển nhớ" của Trịnh Công Sơn.

24 tuổi viết trường ca "Tiếng hát dã tràng"

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã tìm được trường ca Tiếng hát dã tràng do giáo sinh Trịnh Công Sơn soạn và trình diễn lần đầu tại đại nhạc hội của "Ban văn nghệ chi đoàn sư phạm" Trường Sư phạm Quy Nhơn. Tư liệu này do các cựu giáo sinh của trường cung cấp, trường ca có hai phần với 13 đoản khúc.

Các cựu giáo sinh còn cung cấp thêm tờ chương trình của đại nhạc hội này được tổ chức ba suất vào đêm 12-1-1963, sáng 13-1-1963 và đêm 13-1-1963. Tại nhạc hội còn có hai tác phẩm khác của Trịnh Công Sơn được trình diễn, và là hai bản nhạc rất ít người biết.

Bài Sao chiều sáng tác năm 1957 (trước cả bài Ướt mi), bài Hoa buồn sáng tác trước 1963, trong đó có câu "Ngày sau còn ai nhắc tên mình không?".

______________________________________

Kỳ tới: Anh trưởng giáo ở phố núi B’lao

Chúng tôi đến B’Lao để tìm lại dấu ấn Trịnh Công Sơn trong ba năm làm ông trưởng giáo ở góc núi. Những người từng dạy và học ở đó vẫn còn sống, đã cung cấp thêm nhiều tư liệu sinh động về thời kỳ này của Trịnh.

MINH TỰ
Theo Tuổi trẻ online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày