Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 33.212
Truy cập trong tháng: 105.085
Truy cập trong năm: 463.464
Tổng lượt truy cập: 5.655.842
Lượt truy cập hiện tại: 324

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Huế muốn trở thành xứ sở hoàng mai
Lượt đọc 1656Ngày cập nhật 8:36 23/02/2022

Chính quyền địa phương đang rất nỗ lực khôi phục hoàng mai Huế và phát triển sánh ngang hoa anh đào Nhật Bản, trở thành cây chủ lực thu hút du lịch

Tết Nhâm Dần 2022, du khách phương xa đặt chân đến Huế rất ngỡ ngàng trước những "rừng" mai vàng giữa phố. Hình ảnh những cánh hoa vàng rực ở vườn mai trước Đại nội Huế, dọc đường Lê Duẩn, trước sân đình, nhà dân, cơ quan, công sở… đã tô thắm sắc xuân, thu hút nhiều người tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Trong 7 chủ đề được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế quảng bá để thu hút khách dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng có nội dung về hoàng mai Huế.

"Mai vàng trước ngõ"

Mai vàng, còn gọi là hoàng mai, là loài hoa nổi tiếng không chỉ ở xứ Huế mà còn với người dân cả nước. Từ lâu, mai vàng đã trở nên quen thuộc với mỗi gia đình ở đây, hầu như ai cũng trồng trước sân nhà để cho hoa ngày Tết. Vì thế, mai vàng đã trở thành đặc sản nổi bật của vùng đất này và là cây chơi dịp Tết không thể thiếu trong các gia đình.

Từ đầu năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát động phong trào "Mai vàng trước ngõ" thu hút rất nhiều người dân, công sở trồng mai. Nhiều vườn mai cũng được trồng như ở làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

Huế muốn trở thành xứ sở hoàng mai - Ảnh 1.

Vườn hoàng mai trước Đại nội Huế nở rộ dịp Tết, thu hút đông đảo du khách tham quan Ảnh: BẢO MINH

PGS-TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho rằng mai vàng ở Huế không những tạo ra vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế mà còn gắn liền với đời sống thường nhật của người dân. Trong những thập kỷ gần đây, vào ngày Tết, người Huế chơi mai không chỉ là nhu cầu làm đẹp cho không gian gia đình mà còn là văn hóa tinh thần, thể hiện nét nhân văn truyền thống.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, mai vàng còn dung chứa những ý nghĩa sâu sắc gắn liền với vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Huế. Cụ thể, sắc vàng quý phái tượng trưng cho màu của cung đình, cũng là màu của ánh sáng; 5 cánh tượng trưng cho ngũ phúc, luôn đều đặn, tròn đầy… Quan niệm truyền thống cho rằng số 5 là con số nhiều ý nghĩa: ngũ hành, ngũ luân, ngũ thường..., vì vậy với hoàng mai Huế, 5 cánh là thể hiện lý tưởng, đủ đầy, viên mãn.

Cần tạo ra giống đột biến

Trước đây, mai vàng Huế phân bố chủ yếu ở vùng núi có cây thưa và đồi cây bụi đầu nguồn sông Hương, sát biên giới Việt - Lào. Mai vàng thường tập trung thành quần thể gần bờ suối và các vùng rừng. Tuy nhiên, do các hoạt động khai thác của con người ở đây nên chúng khó phát triển tốt, chỉ còn lại gốc và những cành tái sinh.

 
 

Hội thảo "Tiềm năng phát triển và định hướng bảo tồn các giống mai vàng Huế" vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, nhằm đánh giá tiềm năng phát triển; phát huy, khai thác giá trị văn hóa, kinh tế của mai vàng, đưa các sản phẩm từ loài cây này trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tại hội thảo, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến nay, mai vàng Huế chưa được nghiên cứu bài bản về đặc tính sinh thái, bảo tồn nguồn gien, các giải pháp để phát triển, trở thành sản phẩm đặc trưng độc đáo của vùng đất cố đô.

Huế muốn trở thành xứ sở hoàng mai - Ảnh 2.

Hoàng mai Huế được tạo thành bonsai khá đẹp Ảnh: BẢO MINH

PGS-TS Đặng Văn Đông nhận xét mai vàng Huế dù đẹp nhưng có một số nhược điểm như: cánh hoa mỏng; số lượng hoa trên mỗi cây, mỗi cành chưa nhiều; độ bền của hoa chưa cao, mùi thơm vẫn còn nhẹ (ở thời tiết khô, trong không gian kín, hoa mới tỏa hương). Vì vậy, một mặt cần bảo tồn, mặt khác phải chọn những cá thể đột biến tự nhiên có lợi để chủ động lai tạo các tổ hợp, dòng mai mới; từ đó phát triển các cá thể, dòng mới này để bổ sung, làm phong phú các giống mai ở Huế, khắc phục những khiếm khuyết kể trên.

"Ngoài việc cần ứng dụng công nghệ tạo giống đột biến, cũng phải có các giải pháp đồng bộ khác. Nếu làm được thì trong tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng Huế thành xứ sở của mai vàng Việt Nam và của thế giới" - PGS-TS Đặng Văn Đông nhấn mạnh.

Dẫn chứng một số lễ hội gắn liền với các loài hoa đặc trưng của những điểm đến trên thế giới - như Nhật Bản có lễ hội hoa anh đào Hanami, Úc có lễ hội hoa phượng tím tại Grafton... - ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định việc xây dựng Huế trở thành xứ sở của mai vàng, tiến đến xây dựng lễ hội mai vàng xứ Huế và các sản phẩm, dịch vụ du lịch đi kèm là có cơ sở và tính khả thi.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, tin tưởng địa phương có đủ điều kiện để phát triển mai vàng Huế trở thành loài hoa nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. 

Thu nhập tốt từ trồng mai

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân ở nhiều ngôi làng có thu nhập tốt từ nghề trồng mai cảnh. Thế Chí Tây ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền là làng nghề truyền thống nổi tiếng trồng mai cảnh hàng trăm năm nay. Kết quả điều tra cho thấy hơn 40% người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề này. Hai năm qua, xã Điền Hòa có khoảng 5.000 cây mai thương mại, gần 15.000 cây mai giống. Tết Nhâm Dần vừa qua, người dân đã bán được khoảng 2.500 cây, chậu mai cảnh với tổng giá trị gần 5 tỉ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế hiện nay còn có nhiều vùng chuyên sản xuất - kinh doanh mai giống, mai cảnh khá nổi tiếng như: phường An Đông, An Tây (TP Huế); một số địa phương ở huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Hương Điền... Mỗi năm, những nơi này cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng vạn chậu mai đẹp vào dịp Tết Nguyên đán, thu về hàng chục tỉ đồng.

QUANG NHẬT

 
Theo Người Lao động online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày