Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 33.084
Truy cập trong tháng: 147.986
Truy cập trong năm: 506.365
Tổng lượt truy cập: 5.698.743
Lượt truy cập hiện tại: 462

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quyết tâm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương
Lượt đọc 143Ngày cập nhật 9:50 04/03/2024

Việc xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương tại Thừa Thiên Huế được thực hiện dân chủ, công khai và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức việc lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri; đồng thời tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Liên quan đến những nội dung trên, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các nội dung liên quan đến Đề án cũng như lộ trình để Đề án được thông qua.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Thừa Thiên Huế đang tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành phố trực thuộc Trung ương và việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Xin đồng chí cho biết nội dung chính được lấy ý kiến cử tri trong lần này là gì?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Đúng như vậy, ngày 26/01/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, nội dung chính được đề nghị cử tri cho ý kiến gồm: Thứ nhất, thành lập và tên gọi của thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính (ĐGHC) tỉnh Thừa Thiên Huế;  thứ hai, chia thành phố Huế hiện hữu để thành lập 02 quận: Quận Phú Xuân (quận phía Bắc) và Quận Thuận Hóa (Quận phía Nam); thứ ba, thành lập Quận Phú Xuân, Quận Thuận hoá thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng ĐGHC huyện Phong Điền thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành lập huyện Phú Lộc trên cơ sở nhập nguyên trạng địa giới hành chính huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương; thứ tư, sắp xếp, thành lập các phường, xã thuộc thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc.

Như vậy, tuỳ vào từng địa phương chịu tác động của Đề án mà nội dung lấy ý kiến của cử tri sẽ khác nhau. Việc lấy ý kiến cử tri phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo quyền của cử tri, phải bình đẳng, dân chủ trong việc cho ý kiến.

 Thành phố Huế là trung tâm di sản văn hóa thế giới quần thể di tích Cố đô Huế.

Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về Đề án chia thành phố Huế hiện hữu thành 2 Quận phía Bắc và phía Nam cũng như định hướng phát triển trong tương lai đối với 2 Quận này là như thế nào?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Về Phương án thành lập các quận thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương, theo đó, sẽ chia thành phố Huế hiện hữu thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế thành 02 quận là Quận Phú Xuân và Quận Thuận Hóa như sau:  Quận Phú Xuân có diện tích tự nhiên là 127,00 km2, quy mô dân số khoảng 229.469 người; có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Kim Long, Hương Sơ, Hương Long, Phú Hậu, Hương An, Hương Vinh, Long Hồ (trong đó đã có nhập phường Hương Hồ và xã Hương Thọ thành phường Long Hồ). Và quận Thuận Hóa có diện tích tự nhiên là 139,41 km2, quy mô dân số khoảng 313.800 người; có 19 phường, gồm: An Cựu, An Tây, Vỹ Dạ, Phước Vĩnh, Trường An, Phú Nhuận, Thủy Biều, Phú Hội, An Đông, Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Thủy Xuân, Xuân Phú, Thủy Vân, Phú Thượng, Hương Phong, Thủy Bằng, Thuận An, Dương Nỗ (trong đó có thành lập phường Hương Phong trên cơ sở xã Hương Phong, thành lập phường Thuỷ Bằng trên cơ sở xã Thuỷ Bằng, thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập nguyên trạng địa giới hành chính phường Thuận An và xã Hải Dương, thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập nguyên trạng địa giới hành chính xã Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương).

 Thừa Thiên Huế ưu tiên chỉnh trang cảnh quan các tuyến phố, hệ thống sông hồ, các khu vực không gian mở để tăng cường hoạt động ngoài trời và không gian cho hoạt động văn hóa lễ hội.

Định hướng phát triển trong tương lai đối với hai quận: Căn cứ Quyết định 108/QĐ-TTG ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, theo đó định hướng phát triển đô thị các Quận như sau:

Quận phía Phú Xuân (Phía Bắc): Với tính chất là trung tâm di sản văn hóa thế giới quần thể di tích Cố đô Huế; Trung tâm tổ chức Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế; Là khu vực đô thị hiện hữu mở rộng gắn với hoạt động văn hóa, kinh tế, dịch vụ và du lịch. Về mục tiêu đầu tư: Cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, duy trì mô hình và kiến trúc nhà ở truyền thống; bổ sung, nâng cấp, cải tạo công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; Phát triển hệ thống nhà hát phục vụ phát triển nghệ thuật ca kịch Huế, nghệ thuật truyền thống cung đình Huế; Ưu tiên chỉnh trang cảnh quan các tuyến phố, hệ thống sông hồ, các khu vực không gian mở để tăng cường hoạt động ngoài trời và không gian cho hoạt động văn hóa lễ hội. Khu vực phát triển mới tại An Hòa, Hương Vinh, Hương Sơ được định hướng nhà ở thấp tầng, giữ không gian xanh và mặt nước; Khu vực Hương Long, Kim Long định hướng là đô thị mới với trung tâm hành chính quận; Khu vực Hương Hồ, Hương An được đô thị hóa, bổ sung các chức năng du lịch ven sông Hương, phát triển cụm công nghiệp Hương An, khu công viên nghiên cứu khoa học công nghệ. Tiếp tục hình thành các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, khu thương mại dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa; Xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Huế đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, Trung tâm pháp y tâm thần miền Trung; Bố trí Trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa và y tế dự phòng cấp vùng. Kiểm soát mật độ dân cư, không gian lân cận di tích, tăng cường các bãi đỗ xe và giao thông công cộng.

Quận phía Thuận Hóa (Phía Nam): Tính chất là trung tâm hành chính - chính trị toàn đô thị, đẩy mạnh phát triển đô thị mới; Trung tâm văn hóa, di sản, dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ cấp quốc gia và quốc tế. Mục tiêu đầu tư: Xây dựng, hoàn thiện trung tâm hành chính – chính trị cấp đô thị; Cải tạo nâng cấp khu đại học Huế theo mô hình Đại học quốc gia; Bệnh viện Trung ương Huế đạt tiêu chuẩn quốc tế; Nâng cấp các công trình thiết chế văn hóa, thể thao như Thư viện tổng hợp Thừa Thiên, sân vận động Tự do, khu thể thao mới của Huế; Chỉnh trang khu các dân cư hiện hữu, bổ sung dịch vụ, công cộng, tiện ích, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Đối với khu vực phát triển mới: Gắn kết với ga đường sắt tốc độ cao theo mô hình TOD tại khu vực Phú Mỹ (Phú Vang); Hoàn thiện khu vực phát triển đô thị mới An Vân Dương; Bố trí các công trình công cộng, thương mại dọc tuyến đường chính, Trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa và y tế dự phòng cấp vùng; Hoàn thiện Làng đại học Huế, Công viên công nghệ Huế; Xây dựng Cụm công nghiệp Thủy Bằng, phường Thủy Bằng; Phát triển hạ tầng phục vụ du lịch biển tại Thuận An, Hải Dương, hình thành thêm các khu vực nghỉ dưỡng, dịch vụ theo đầm phá và cảnh quan sông Hương; Phát triển, mở rộng khu bến Thuận An, bố trí các công trình phụ trợ và hoàn thiện khung hạ tầng kỹ thuật.

Phóng viên:  Vâng, như vậy tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những định hướng rất cụ thể cho Quận phía Bắc và phía Nam trong tương lai. Vậy thưa đồng chí, sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri, bước tiếp theo sẽ là gì?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri, nếu đảm bảo theo quy định sẽ tiến hành họp Hội đồng Nhân dân các cấp, đồng thời báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri và công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Sau đó, tỉnh sẽ hoàn thiện Đề án, trình các cấp có thẩm quyền.

Phóng viên: Được biết, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang rất kỳ vọng Đề án sẽ được Trung ương thông qua. Vậy tỉnh sẽ triển khai những giải pháp nào để sớm hoàn thiện Đề án và dự kiến lúc nào Đề án được trình Trung ương?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Việc triển khai hoàn thiện Đề án phải đảm bảo đúng theo quy định của luật, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn bám sát các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết quan trọng khác của Bộ Chính trị, Quốc hội.

Đồng chí Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác chỉnh trang đô thị Huế. 

Hiện nay, đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng Đề án, các tiêu chí đối với thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản đáp ứng đầy đủ. Tỉnh đã và đang tập trung hoàn thiện Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; các Báo cáo rà soát cơ sở hạ tầng dự kiến thành lập quận, phường để trình Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ. Sau khi hoàn thành và được công nhận, Đề án thành phố trực thuộc Trung ương sẽ trình Chính phủ vào tháng 4/2024.

Việc lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tiến hành từ ngày 26/02/2024 đến hết ngày 02/3/2024. Hy vọng việc lấy ý kiến cử tri sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra, tạo sự đồng thuận trong xã hội và người dân trong việc thực hiện Đề án, góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo nghị quyết của Bộ Chính trị.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 
Thực hiện: Hoàng Oanh
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày