Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 35.345
Truy cập trong tháng: 107.218
Truy cập trong năm: 465.597
Tổng lượt truy cập: 5.657.975
Lượt truy cập hiện tại: 654

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đã tìm ra “đáp số” đường Phượng Bay
Lượt đọc 36950Ngày cập nhật 10:36 08/07/2011

“Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn tranh cãi với nhau về con đường có cái tên thật hoài niệm, đường Phượng Bay. Thực sự thì đường Phượng Bay là con đường nào ở Huế? Không ai buộc, cũng chẳng ai hối thúc, nhưng mà sao vẫn cứ muốn đi tìm.

 Ngày xuân chắp nhặt đôi dòng, chúng tôi mạo muội thử nêu những kiến giải của mình...”- Đó là lời mở đầu cho bài viết “Đi tìm đường Phượng Bay” của tôi được đăng trên Thừa Thiên Huế Xuân Mậu Tý-2008.


Đường Lê Duẩn đoạn trước Phu Văn Lâu
Đường Phượng Bay đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ tài danh họ Trịnh sáng tác nên nhạc phẩm Mưa hồng làm say lòng bao thế hệ. Và rồi, không rõ căn cứ vào đâu, nhiều người xác tín rằng, đường Phượng Bay chính là đường Đoàn Thị Điểm - con đường men dọc bờ thành bên trái của Đại Nội Huế, song song với đường Đinh Tiên Hoàng và giao cắt với các đường Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Mai Thúc Loan…
Cả trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia còn có riêng một bài viết về đường Phượng Bay ở Huế: “(…)đường Phượng Bay là tên gọi khác của đường Đoàn Thị Điểm nằm bên cạnh khu vực Hoàng thành của kinh đô Huế. Xuất phát từ ca từ trong bài hát Mưa hồng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: đường Phượng Bay mù không lối vào, hàng cây thắm xanh gần với nhau…, người dân xứ Huế và những người yêu Huế đều cảm nhận nét trữ tình rất riêng biệt của con đường này… sự trầm mặc của dấu tích, nét thâm trầm đặc trưng của cố đô khiến con đường trở nên vô cùng thơ mộng. Con đường ngắn, ít dân cư sinh sống nhưng màu xanh mướt của cây cối rất phù hợp với lối sống nhàn tản, thích đi bộ, tư lự, trầm ngâm của người dân xứ Huế. Mùa đông ấm áp, mùa hè rực rỡ không chỉ riêng có màu đỏ của sắc phượng bay mà còn vàng dịu nhẹ của hoa điệp, màu tím thanh tao của những bông hoa bằng lăng... đường Phượng Bay là một trong những con đường đẹp ở Huế, gợi nhiều cảm hứng cho thi ca, âm nhạc, hội hoạ…”.
Lại cũng có một bài báo dẫn lời một người con gái tên A. ở “bên tê” sông An Cựu, “đêm đêm trốn nhà sang Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn”. Rồi sau đó tiễn về, Trịnh đưa chị đi theo con đường bên kia sông “có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau. Anh gọi đó là đường Phượng Bay, con đường tình yêu của anh, con đường nhớ nhung một đời của chị…”. Con đường bên kia sông (An Cựu) là đường Phan Đình Phùng hiện nay.

Hàng cây xanh đầy mê hoặc trên đường Đoàn Thị Điểm
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, có một điều lạ là những con đường được “trưng dẫn” nói trên không từng được trồng nhiều phượng. Với đường Đoàn Thị Điểm, thì theo trí nhớ của ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế (TTCVCX), người đã theo học tại Trường Hàm Nghi (xưa là Quốc Tử Giám, nay là nơi đặt Bảo tàng Cách mạng TT.Huế) trong khoảng thời gian từ 1965-1969, thì đây là con đường chỉ trồng toàn cây muối (còn có tên là cây nhội). Cắt vuông góc với đường Đoàn Thị Điểm là đường Tống Duy Tân (nay đã bị bịt lối) trồng toàn cây mù u. Còn phượng chỉ có dăm ba cây được trồng dọc bờ thành của trường mé đường Đoàn Thị Điểm. Cho đến hiện tại, trên đường Đoàn Thị Điểm vẫn còn đến 126 cây muối, trong đó hàng chục cây có tuổi 45-50 năm. Mấy cây cũ vẫn còn. Chừng hơn hai chục cây phượng đỏ, khoảng 50 cây phượng vàng bây giờ trên tuyến đường này là số cây mới được trồng dặm sau này thay chỗ cho những cây muối bị chết do quá già cỗi hoặc bị gãy đổ do mưa bão.
Còn đường Phan Đình Phùng, trong trí nhớ của nhiều người, đường này có phượng, nhưng cũng chỉ là một số cây chứ không thể là “2 hàng phượng chụm đầu vào nhau”; còn theo trong hồ sơ cây xanh thì đây là con đường trồng toàn muồng Xiêm.
Bởi vậy, nếu nói đường Đoàn Thị Điểm hay đường Phan Đình Phùng là đường Phượng Bay thì có chút gì đó hơi “gợn”, hơi khiên cưỡng, cho dù đó là những con đường thơ mộng của Huế.

 

Những gốc phượng xưa vẫn còn tỏa bóng đơm hoa trên đường Lê Duẩn
  
Trong bài viết, chúng tôi cũng đã đưa ra và nghiêng về giả thuyết đường Phượng Bay con đường Lê Duẩn hiện nay, bởi lẽ, theo trí nhớ của nhiều người, đây là con đường vốn được trồng nhiều phượng nhất ở Huế một thời: “Đường Lê Duẩn bây giờ đã được mở rộng, nhưng vẫn được trồng toàn phượng vĩ. Trên tuyến đường này hiện chỉ có 3 cây bằng lăng, 2 cây xà cừ, 1 cây bồ đề và 1 cây muối, còn lại toàn là phượng. Có đến 252 cây phượng ở đây, trong đó nhiều cây có đường kính gốc từ 0,6-1m, tuổi đời đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ đứng trầm mặc như chứng nhân tình yêu một thuở. Đó là chưa kể số cây đã bị đốn hạ do mở đường và khoảng 30 cây khác đã bị gãy đổ do các trận bão tràn qua Huế. Hè về, cả con đường bừng lên sắc đỏ, đẹp đến nao lòng...” (Đi tìm đường Phượng Bay-Thừa Thiên Huế Xuân Mậu Tý-2008). Thêm một số tài liệu nữa, như trong cuốn Huế-Tên đường phố xưa & nay của Dương Phước Thu khi nói về đường Lê Duẩn (trang 174-NXB Thuận Hoá, 2004) có đoạn “Đoạn đường từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ, người cao niên ở Huế vẫn thường quen gọi là đường Phượng Bay…”. Nhà thơ Anh Phan, tên thật là Nguyễn Tất Phan, sinh năm 1934, hiện sống ở 2B/25 Ông Ích Khiêm-phường Thuận Hòa-Tp Huế có bài thơ Con đường phượng bay phố Huế cũng đã viết…: Con đường phượng bay nằm dọc bờ bắc sông Hương/ Từ cầu Trường Tiền đến cầu Bạch Hổ / Đi trên con đường phượng bay/ Nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ/ Gặp mưa phùn chỉ ướt áo riêng anh…” . Đặc biệt ông Phan Đình Ngôn khẳng định rằng, ông từng nghe Trịnh Công Sơn trả lời phỏng vấn trên ti vi, và chính nhạc sỹ đã cho biết, con đường Phượng Bay trong Mưa hồng của ông chính là con đường Lê Duẩn. Và theo ông Ngôn là có lý, bởi trước năm 1975, con đường này (lúc đó gọi là đường Trịnh Minh Thế) kéo dài từ cửa Ngăn cho đến cầu Bạch Hổ chỉ là một con đường hẹp được trồng toàn là phượng. Hồi ấy cũng không có xe lớn, lưu lượng thưa thớt, cho nên phượng mặc sức toả bóng mà không bị chặt tỉa như bây giờ. Đôi hàng cây như tình nhân chụm đầu vào nhau. Một cơn gió thoảng, lá phượng rủ nhau rơi lả tả như mưa, đẹp mê hồn…

…và tiếp tục có nhiều cây được trồng mới
 
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là giả thuyết. Ông Ngôn hứa tìm, chúng tôi cũng dọ hỏi, nhưng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ ai để “lùng” ra đoạn phim nọ. Hỏi nhờ một số đồng nghiệp, nhưng phim gì? Ai làm? Làm bao giờ?... Chúng tôi… bí. Quả thật là rất khó cho họ, bởi hàng vô số phim, hàng vô số chương trình, làm sao tìm khi không cung cấp được-dù chỉ là một chút “từ khóa”…
Chuyện cứ vậy trôi đi thì đột nhiên, 3 năm sau ngày… báo phát hành, bỗng một đêm, tôi nhận được cú phone từ một số điện thoại lạ hoắc. Bắt máy, nói chuyện, người đầu dây xưng tên Hương và cho biết chị là người đã trực tiếp làm phim, trực tiếp phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chính nhạc sĩ đã xác tín rằng, đường Phượng Bay đã gợi cảm hứng cho ông viết Mưa hồng chính là con đường Lê Duẩn bây giờ. Ông nói đại ý “ (đường Phượng Bay) đó là con đường rất đẹp, chạy ngang trước Phu Văn Lâu. Bây giờ thì đã được mở rộng ra…”. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng bày tỏ niềm vui khi thấy cây xanh ở Huế vẫn nhiều, vẫn được chăm chút và nhiều tuyến đường của thành phố quê hương ông đang ngày càng đẹp lên…

Đường Đoàn Thị Điểm đoạn qua cửa Hiển Nhơn
  
Đoạn phỏng vấn dài chừng 1 phút, nằm trong phim tài liệu có tên “Đường xanh thành Huế” của HVTV (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế) sản xuất khoảng năm 2001 (nói khoảng là bởi vì mặc dù đã xin phép và được Giám đốc HVTV Văn Công Toàn vui vẻ đồng ý, đã được anh Quý Hòa-PV của đài- tận tình dẫn đến gặp bộ phận liên quan để nhờ giúp và được nhận lời, nhưng chờ mãi cho đến lúc viết bài này, chúng tôi vẫn chưa có được trong tay bản copy của phim. Có lẽ các anh chị nhiều việc, vả cũng chẳng mấy quan tâm cái chuyện… bao đồng của tôi cũng nên). Cũng đến khi sang HVTV, tới mới biết chị Hương đã gọi điện báo cho tôi là Nguyên Hương (HVTV có nhiều người tên Hương) và hiện đã không còn làm ở đây nữa, do như chị nói, là “không được cấp quota để vào” dù đã tham gia làm cả trăm phim và có thời gian gắn bó với HVTV trên 10 năm trời…

Đường Phan Đình Phùng cũng từng được ngỡ là đường
PhượngBay
Phim làm 2001, nhưng nếu sau 1/4 thì nhạc sĩ họ Trịnh đã qua đời, sao lại có “vụ”… nhạc sĩ trực tiếp trả lời phỏng vấn được? Chị Nguyên Hương cho hay, phần phỏng vấn được chị thực hiện cuối 2000 đầu 2001 gì đó. Ấy là một dịp chị đi Tp Hồ Chí Minh chơi, cũng dịp đó anh Đinh Hiếu (cũng là PV của HVTV) vào thành phố thăm gia đình. Vào một buổi chiều, Đinh Hiếu và Nguyên Hương được nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ dẫn đến thăm Trịnh Công Sơn tại nhà riêng của ông trên đường Phạm Ngọc Thạch. Nhạc sỹ rất vui khi gặp đồng hương nên trò chuyện hết sức cởi mở. Lúc đó, sẵn camera do một đồng nghiệp ở Đài Truyền hình TP HCM cho mượn, Đinh Hiếu đã không bỏ lỡ dịp may để ghi lại “đã đời”. Còn chị (Nguyên Hương) cũng không bỏ lỡ cơ hội để hỏi nhạc sĩ đủ thứ. Nhớ lại kỷ niệm, chị Hương cười… rầu rĩ: “Thống biết răng không, anh Sơn anh… chê con gái Huế. Anh nói, con gái Huế mà đẹp chi, cô mô cũng rờ rờ rận rận…”. Không biết nhạc sĩ nói thiệt hay nói chơi, nhưng Nguyên Hương thì cứ ấm ức cho tới tận bây chừ…
Xuân Mậu Tý - 2008 cho đến nay - Tết Tân Mão - 2011, như vậy là tròn 3 năm, tôi đã có được lời giải chính thức cho bài viết của mình. Ngày xuân chắp nhặt đôi dòng, trước hết là cảm ơn chị Nguyên Hương, sau nữa là để thưa cùng bạn đọc…
Diên Thống
 
 
 
Theo Thừa Thiên Huế online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày