Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 34.018
Truy cập trong tháng: 105.891
Truy cập trong năm: 464.270
Tổng lượt truy cập: 5.656.648
Lượt truy cập hiện tại: 423
Việc phát triển dân sinh tại miền Nam dưới triều Nguyễn
Lượt đọc 4014Ngày cập nhật 9:33 16/09/2019

 Sự hình thành triều Nguyễn từ năm 1802 cũng đồng thời là sự kết thúc một cuộc nội chiến dằng dai kéo dài hơn 30 năm làm hao tổn rất nhiều tài nguyên, nhân lực của đất nước.

Vì thế, trong nửa thế kỷ đầu của thế kỷ XIX, cho dù chưa hẳn xã hội đã hoàn toàn ổn định, triều Nguyễn cũng thực hiện được nhiều công trình phục vụ quốc kế dân sinh.
Trong lịch sử thời cận đại, Nguyễn Ánh là một nhà lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng. Ngay trong thời gian diễn ra những cuộc chiến ác liệt với nhà Tây Sơn, ông đã cho quân lính khai thác nhiều khu vực ruộng đất bỏ hoang gọi là “trại đồn điền”.
Những năm đầu thập niên 1800, khi đã thống nhất đất nước dưới niên hiệu Gia Long, nhà vua đã đưa ra kế hoạch cấp ruộng hoang cho dân nghèo, cho họ vay thóc giống để canh tác và hoàn trả sau cho nhà nước.
Ông tận dụng tiềm lực của quân đội để phát triển nông nghiệp với chính sách “ngụ binh ư nông”, và vạch ra những kế hoạch rộng lớn mà việc đào con kênh Thoại Hà nối liền Long Xuyên - Rạch Giá và con kênh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc - Hà Tiên là những công trình to lớn mà triều Nguyễn đã thực hiện cho vùng cực Nam của Tổ quốc.
Thoại Ngọc Hầu và những con kênh để đời
Ông tên thật Nguyễn Văn Thoại (Thụy), sinh năm 1761, người gốc huyện Diên Phước, dinh Quảng Nam, con ông Nguyễn Văn Lượng, từng được vua Minh Mạng sắc phong làm “Anh dũng tướng quân Khinh xa Đô úy Thần sách Vệ úy Nguyễn hầu” (1822), và bà Nguyễn Thị Tuyết, từng được sắc phong Thục nhân, một trong 9 bậc phi tần trong cung cấm triều Nguyễn.
Năm 1784, Nguyễn Văn Thoại thuộc trong số người tòng vong theo chúa Nguyễn sang đất Xiêm La (Thái Lan), để tránh sự truy sát của nhà Tây Sơn. Sau khi chúa Nguyễn Ánh nhất thống sơn hà, trở thành vua Gia Long (1802), Nguyễn Văn Thoại được cử làm Trấn thủ Lạng Sơn, một trong 11 trấn của Bắc Thành được đặt dưới quyền Tổng trấn Nguyễn Văn Thành. Cuối năm 1810, ông được triệu về kinh và được cử vào Nam, làm Trấn thủ Định Tường.
Năm 1814, sau khi Tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhơn Tĩnh đưa vua Chân Lạp Nặc Chân về nước, quân Xiêm rút khỏi Chân Lạp, vua Gia Long cử Nguyễn Văn Thoại làm Bảo hộ Chân Lạp, cái tên Bảo hộ Thoại xuất phát từ cương vị này.
Đến tháng 6 âm lịch năm 1817, ông lại được cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, một đơn vị hành chánh rộng lớn bao gồm các địa phương Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, và một phần Kiên Giang ngày nay.
Chính trong thời gian trấn nhậm tại đây, ông đã đóng góp được rất nhiều cho công cuộc phát triển kinh tế và xã hội như qui dân lập ấp, mở mang đường giao thông liên lạc trong vùng. Ông cho lập 5 làng mới tại Cù Lao Dài, tiếng chữ gọi là Trường Châu, thuộc huyện Vĩnh Trị, trấn Vĩnh Thanh, chu vi 30 dặm, nằm ở hạ lưu sông Long Hồ.
Vào thời kỳ của Nguyễn Văn Thoại, người dân Việt còn sống rải rác, làng Việt xen lẫn với các phum sóc của người Khmer, các buôn của người thiểu số khác. Đời sống của cư dân miền Tây có vẻ manh mún do thiếu một hệ thống giao thông cần thiết như những mạch máu liền nhau trong một cơ thể.
Lúc bấy giờ, phần lớn liên lạc giữa các vùng duyên hải như Hà Tiên, Kiên Giang với khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều phải thông qua đường biển, xa và nhiều nguy hiểm. Cuối năm 1817, Nguyễn Văn Thoại tâu trình và được vua Gia Long cho phép đào con sông Tam Khê chảy từ huyện Đông Xuyên, trấn An Giang, sang Kiên Giang, trở thành một thủy lộ quan trọng nối liền hai khu vực trù phú. Kênh rộng hơn 10 trượng (hơn 40m), sâu 18 thước (7,2m) dài 12.410 tầm (khoảng 37km). Kênh đào trong một tháng thì công việc hoàn tất, Nguyễn Văn Thoại vẽ bản đồ và gửi sớ tấu về triều.
Vua Gia Long xem sớ rất vui lòng, bèn ban dụ lấy tên ông đặt cho kênh là Thoại Hà (sông do ông Thoại đào), ngọn núi Sập (Lạp Sơn) nằm một bên bờ Thoại Hà được đặt tên Thoại Sơn (Đại Nam thực lục - Tập I - NXB Giáo dục - Hà Nội 2002, trang 958-959).
Sự hiện diện của con kênh Thoại Hà rộng như một dòng sông nối liền Long Xuyên - Rạch Giá trở thành một trong những con đường huyết mạch của cư dân vùng cực Nam Tổ quốc, tàu bè đi lại tấp nập, thương mại bắt đầu phồn thịnh. Cũng từ đó, Thoại Sơn trở thành một danh thắng được triều đình bảo vệ bằng một chỉ dụ của nhà vua.
Để ghi nhớ một kỷ niệm trọng đại trong đời mình, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn, khắc vào bia đá, dựng phía trước miếu thờ Sơn thần trên lưng chừng núi Thoại Sơn. Bia này đến năm 1972 vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 1817, nhân tiếp sứ Chân Lạp (nay là Campuchia), vua Gia Long biết được việc khai thông thủy lộ từ Châu Đốc đi Hà Tiên cũng là một mong ước của nước láng giềng Chân Lạp để việc lưu thông và sinh hoạt của thành phần dân Khmer trong vùng được thuận lợi. Ông cho lệnh Thoại Ngọc Hầu khởi công với sự phụ tá của Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều bát Nguyễn Văn Tồn.
Kênh được khởi công đào vào ngày rằm tháng Chạp năm Kỷ Mão (30/1/1820), do vướng nhiều trở ngại, có lúc phải tạm ngưng. Lúc đầu, số nhân công người Việt và người Khmer được huy động khoảng hơn 5.000 người, về sau công việc khó nhọc, số người được huy động lên đến hơn 55.000 người.
Mãi đến tháng 5 âm lịch năm 1824, con kênh mới được đào xong. Kênh rộng 15 tầm (khoảng 45m), sâu 6 thước (2,4m), dài 140 dặm (khoảng 70km), tiếp nối với con sông cũ ra đến biển Hà Tiên, dài tổng cộng 205 dặm (102km). Nhận thấy tầm quan trọng và ích lợi của con kênh đào đối với đời sống của người dân hai vùng Châu Đốc - Hà Tiên, vua Minh Mạng xuống chỉ khen ngợi Nguyễn Văn Thoại, thưởng cho tiền bạc và lụa là, đồng thời sai quan địa phương dựng bia ở bờ sông để ghi nhớ công lao của ông.
Trước đó, sau khi đào xong kênh Thoại Hà nối liền Long Xuyên - Rạch Giá, vua Gia Long đã lấy tên của ông đặt thành sông Thoại Hà, ngọn núi nơi sông chảy qua gọi là Thoại Sơn, nay không thể lấy tên Thoại đặt cho con kênh Châu Đốc - Hà Tiên. Vua Minh Mạng xét đến gia cảnh phu nhân của ông là bà Châu Thị Tế, thuộc dòng họ Châu Vĩnh có tiếng trong vùng, đã tận tâm tận lực giúp chồng hoàn thành công tác do triều đình giao phó, bèn đặt cho con kênh cái tên Vĩnh Tế hà, người đời sau gọi là kênh Vĩnh Tế. Ngọn núi Sam nằm gần bờ kênh được đặt tên Vĩnh Tế sơn. Con kênh từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và đời sống cư dân vùng Châu Đốc - Hà Tiên.
Vai trò của Điều bát Nguyễn Văn Tồn và người bản địa Khmer
Nguyễn Văn Tồn vốn tên Thạch Duôn nguyên là một gia nhân phục dịch trong phủ chúa, về sau, chúa thấy ông có tài cầm quân, đã cử làm Thuộc nội Cai đội (chánh ngũ phẩm). Khi trở lại Gia Định năm 1788, ông được giao trách nhiệm tuyển mộ vài nghìn người gốc Khmer tại hai vùng Trà Vinh và Mân Thít, lập thành một cơ gọi là “Xiêm binh đồn”, đặt dưới quyền chỉ huy của ông. Năm 1810, cơ binh này được đổi tên thành Uy Viễn đồn.
Vào thời điểm trên, người Khmer bản địa sống tập trung tại các vùng nay thuộc Trà Vinh, Vĩnh Long, Long Xuyên Châu Đốc. Vì thế khi đào hai con kênh tại Long Xuyên và Châu Đốc, đặc biệt tại kênh Vĩnh Tế, Châu Đốc, người Khmer có những đóng góp công sức đáng kể vào công trình quốc kế dân sinh này.
Tại đây, tổng số lao động đào kênh có lúc lên đến mức cao nhất 80.000 người, trong đó người Khmer chiếm khoảng 16.000 người. Và trong hàng quan lại của triều đình lúc bấy giờ, không ai xứng đáng hơn Nguyễn Văn Tồn trong vai trò điều phối lực lượng lao động người Khmer trong công tác đào kênh. Trong bàn tay điều hành của ông, người Khmer được đối xử công bằng và hợp lý trong công tác đào kênh cùng người Việt.
Ngày nay, mộ phần và miếu thờ của quan Điều bát Nguyễn Văn Tồn vẫn còn ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, rất nhiều người dân địa phương biết rõ công lao và tấm lòng của ông đối với nước Việt.
Về sau, tầm quan trọng của con kênh Vĩnh Tế được thể hiện khi vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh đặt trước Đại nội ở cung điện Huế. Trên Cửu đỉnh, triều đình cho chạm trổ hình kênh Vĩnh Tế, cạnh đó là dãy Thất Sơn nhấp nhô như sóng lượn.

LÊ NGUYỄN

 
Theo Kinh tế đô thị online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày