Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?
Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 32.162
Truy cập trong tháng: 104.035
Truy cập trong năm: 462.414
Tổng lượt truy cập: 5.654.792
Lượt truy cập hiện tại: 209

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Túy Vân quốc tự bốn mùa mây trắng say
Lượt đọc 6196Ngày cập nhật 10:49 21/07/2021

Xứ Huế có núi Túy Vân phong cảnh hữu tình, bốn mùa non xanh nước biếc, mây trắng nhởn nhơ bay như kẻ say tình. Trên núi có chùa Thánh Duyên được phong vào hàng Quốc tự, dưới chân núi có phá Tam Giang trời nước bao la thơ mộng, xứng danh là một trong Thần kinh nhị thập cảnh của đất Cố đô xưa.

Chúng tôi đến Huế vào những ngày hè đỏ nắng, thế nhưng dọc theo con đường Quốc lộ 49B, đoạn tiếp nối từ Quốc lộ 1A xuôi về phía cửa biển Tư Hiền, không khí vẫn mát rượi nhờ bóng mát của những hàng dương, hàng dừa, của những khu vườn xanh mướt và cả những ngọn gió mang hơi ẩm thổi về từ phía phá Tam Giang.

Qua khỏi cầu Tư Hiền, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi thêm chừng 3 cây số nữa thì đến núi Túy Vân. Từ xa núi Túy Vân hiện lên tròn trịa xinh đẹp bên bờ Đông phá Tam Giang, án ngữ cạnh cửa Tư Hiền sâu hiểm. Đến gần chân núi ngước mắt nhìn lên là dãy bậc đá phủ mờ rêu xanh, phía trên cao thấp thoáng ánh vàng cổng tam quan của chùa Thánh Duyên nằm lẫn khuất trong bóng lá rừng xanh biếc.

Bia đá khắc 4 bài thơ ngự chế của vua Minh Mạng ca ngợi cảnh đẹp núi Túy Vân, chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ và tháp Điều Ngự. Ảnh: Thái Hoàng
Ngôi chánh điện có quy mô vừa phải, được xây dựng theo lối nhà rường pha lẫn kiến trúc cung đình Huế. Ảnh: Thái Hoàng

Dạo bước lên núi tham quan chốn cửa thiền, giữa cảnh bình yên non nước, khi bên tai chỉ còn lại tiếng lá rừng xào xạc xen lẫn trong tiếng rì rầm của sóng nước và tiếng kinh cầu man mác giữa buổi trưa hè, lòng người viễn khách bỗng trở nên thư thái lạ thường và bao nhiêu muộn phiền cũng dường như tan biến hết.

Lại nói về núi Túy Vân, còn gọi Thúy Vân, xưa được vua Thiệu Trị (1807-1847) liệt vào hàng thứ 9 trong "Thần kinh nhị thập cảnh", tức cảnh đẹp thứ 9 trong số 20 cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế. Núi nằm bên bờ phá Tam Giang, trước thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; nay là xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngôi chánh điện có quy mô vừa phải, được xây dựng theo lối nhà rường pha
Bia đá khắc 4 bài thơ ngự chế của vua Minh Mạng ca ngợi cảnh đẹp núi Túy Vân, chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ và tháp Điều Ngự. Ảnh: Thái Hoàng
Trên núi có chùa Thánh Duyên, dân gian quen gọi là chùa Túy Vân. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chùa có tự lâu đời không rõ là năm nào. Năm Nhâm Thân (1692), chúa Nguyễn Phước Chu sau lần qua đây đã cho sửa sang lại chùa để tạo phúc cho dân, nhưng rồi trải qua chiến tranh loạn lạc, chùa trở nên tan hoang đổ nát. Mãi đến năm 1825, vua Minh Mạng đến du ngoạn vùng cửa biển Tư Hiền nghe câu chuyện về chùa cổ và sự tích xưa nên đã cho đổi tên núi thành Thúy Hoa và cho trùng tu chùa. Đến năm 1836, nhà vua lại cho đại trùng tu chùa một lần nữa. Sau lần chỉnh trang này chùa mang dấu ấn kiến trúc cung đình đậm nét và được vua Minh Mạng ban sắc phong lên hàng quốc tự. Đầu thời vua Thiệu Trị, vì kiêng húy tên Thái hậu Hồ Thị Hoa nên núi Thúy Hoa được đổi thành núi Thúy Vân, nhưng dân trong vùng vẫn quen gọi là núi Túy Vân, tức núi mây say, và chùa cũng gọi là chùa Túy Vân. Đây từng là nơi tu hành của nhiều vị cao tăng xứ Huế do chính các vua nhà Nguyễn cử đến làm trụ trì.

Dưới chân núi, cạnh bờ phá Tam Giang nay vẫn còn chiếc giếng cổ, gọi là Giếng Cung, bởi thuộc hành cung Thúy Vân, nơi các vua nhà Nguyễn vẫn thường về nghỉ ngơi trong những tháng mùa hè oi bức. Giếng nước tuy nằm cạnh bờ phá Tam Giang quanh năm nước lợ nhưng lại ngọt mát vô cùng. Nghe đồn các sư trên chùa và dân trong vùng thường lấy nước về pha trà cho hương vị thơm ngon, tinh khiết vô cùng.

Làng chài nhỏ trên phá Tam Giang bên chân núi Túy Vân. Ảnh: Thái Hoàng
Làng chài nhỏ trên phá Tam Giang bên chân núi Túy Vân. Ảnh: Thái Hoàng

Chùa Thánh Duyên mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn, không nguy nga, đồ sộ, lại có nét nhỏ nhắn, khiêm nhường mà tinh tế. Chánh điện được xây theo lối nhà rường truyền thống Huế pha lẫn kiến trúc cung đình với mái lợp ngói liệt, cửa sổ trang trí hình chữ "Thọ", xung quanh có tường thành bao bọc. Phía sau chánh điện, cách một khu vườn lớn, ở giữa lưng chừng núi có gác Đại Từ, gian giữa thờ Phật, gian bên phải thờ Đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí. Phía sau cùng, trên đỉnh núi là tháp Điều Ngự 3 tầng cao chừng 13m. Đứng ở tầng cao nhất của tháp, phóng tầm mắt ra xa là cảnh non nước hữu tình với đầm phá bát ngát mênh mông và núi non xanh lam mờ ảo.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, người có nhiều năm nghiên cứu về các di sản cung đình Huế, thì chùa Thánh Duyên có lối kiến trúc rất đặc biệt, vừa thể hiện được triết lý Phật giáo vừa phản ánh được tinh thần cơ bản của Nho giáo. Theo đó, tổng thể chùa gồm có 3 phần. Đầu tiên phải kể đến tháp Điều Ngự ở trên đỉnh núi, được xây liền khối bằng gạch, cấu trúc ba tầng, cao chừng 15m. Sử cũ có ghi lại là tháp cao 3 trượng 6 thước 9 tấc; ba con số này có tổng là 18, một con số hoàn hảo theo quan niệm của phương Đông. Phần thứ hai ở giữa lưng chừng núi là gác Đại Từ cao 2 tầng. Và ngôi Chánh điện ở dưới cùng chỉ có 1 tầng. Như vậy bộ ba kiến trúc này gồm tháp Điều Ngự 3 tầng, gác Đại Từ 2 tầng và Đại điện 1 tầng thể hiện những con số quen thuộc của Thái Cực (1), Lưỡng Nghi (2), Tam Tài (3).

Những bậc đá rêu phong dẫn lối lên tam quan chùa Thánh Duyên. Ảnh: Thái Hoàng
Những bậc đá rêu phong dẫn lối lên tam quan chùa Thánh Duyên. Ảnh: Thái Hoàng

Điều đó cho thấy Vua Minh Mạng quả là người uyên bác và tài hoa khi quy hoạch và xây dựng lại chùa theo một trật tự Nho giáo mà vẫn giữ nguyên vẹn được vẻ tự nhiên uyển chuyển của một kiến trúc Phật giáo. Ngay cả tên gọi của công trình cũng thâm thúy sâu xa. Gác Đại Từ nằm chính giữa cũng tượng trưng cho con người trong trục quan hệ Thiên-Nhân-Địa (con Người ở giữa, trên là Trời, dưới là Đất) nên phải mang cái tâm đại từ đại bi của Phật. Còn ngự trên tầng cao nhất tượng trưng cho Trời là tháp Điều Ngự với tư tưởng trung dung, cân bằng để đạt đến thái hòa. Đó cũng là cái đạo cao nhất của người quân tử để cai trị thiên hạ.

Bia đá nhỏ khắc ba chữ “Thúy Vân sơn” đặt trên một hòn đá lớn dưới chân núi. Ảnh: Thái Hoàng
Bia đá nhỏ khắc ba chữ “Thúy Vân sơn” đặt trên một hòn đá lớn dưới chân núi. Ảnh: Thái Hoàng

Là thắng cảnh nổi tiếng của kinh đô Huế nên trước đây núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên thường là nơi lui tới của các bậc tao nhân mặc khách. Đặc biệt, vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng từng nhiều lần ghé thăm và để lại nhiều áng văn thơ tuyệt tác ca ngợi cảnh đẹp nơi này. Điển hình như bài thơ “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị và 4 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự, núi Tuý Vân của vua Minh Mạng. Các bài thơ này đều được khắc trên bia đá và hiện vẫn còn lưu giữ ở chùa.

Trải qua bao cuộc bể dâu với nhiều lần tu sửa, chùa Thánh Duyên nay vẫn còn trên núi Túy Vân. Năm 1996, nơi này đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, đến với thắng cảnh này du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh Phật an nhiên để tĩnh tâm, gột rửa mọi muộn phiền, mà còn có cơ hội được khám phá vẻ đẹp bình dị mà nên thơ của những xóm chài ven phá Tam Giang, vùng đầm phá rộng lớn và kì bí bậc nhất Đông Nam Á.

Hôm nay đây, lên núi Túy Vân vãn cảnh chùa Thánh Duyên lòng người vẫn như đang nghe vang vọng lời thơ tuyệt tác năm nào của vị vua thi sĩ Thiệu Trị đề trên bia đá:

“Núi Thuý Vân

Non xanh cao ngắt

Cây biếc ngát hương

Ngoài ngắm đại dương

Trong nhìn biển nhỏ”

(Vân Sơn thắng tích - Vua Thiệu Trị).

Cổng nhỏ rêu phong dẫn lối lên vườn chùa. Ảnh: Thái Hoàng
Cổng nhỏ rêu phong dẫn lối lên vườn chùa. Ảnh: Thái Hoàng

Thế mới biết, núi Túy Vân cùng chùa Thánh Duyên với vị thế đặc biệt cùng vẻ đẹp độc đáo không chỉ làm nên nét riêng biệt giữa chốn rừng thiền mà còn là một ngôi quốc tự hàng đầu của chốn Thiền kinh, xứng danh là trấn sơn tự của Đại Nam bên cạnh cửa biển Tư Hiền hiểm yếu suốt mấy trăm năm qua.

BÀI VÀ ẢNH CỦA THÁI HOÀNG

Theo Lao động online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày