Danh mục

Ý kiến của bạn về chất lượng sách tại thư viện?


Thống kê truy cập
Truy cập trong tuần: 13.143
Truy cập trong tháng: 85.016
Truy cập trong năm: 443.395
Tổng lượt truy cập: 5.635.773
Lượt truy cập hiện tại: 970

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cuộc hội ngộ của lá thư lạc nửa thế kỷ
Lượt đọc 4447Ngày cập nhật 8:56 22/07/2021

 "53 năm trôi qua với bao bước ngoặt lịch sử, thăng trầm thời cuộc, tôi lại nhận được lá thư anh trai mình gửi đề ngày 12-7-1968 từ Huế trong hoàn cảnh quá đặc biệt. Có ai ngờ…" - thầy Nguyễn Thiện Tống xúc động tâm sự.

Cuộc hội ngộ của lá thư lạc nửa thế kỷ - Ảnh 1.

Ảnh chụp gia đình thầy Nguyễn Thiện Tống - Ảnh: NVCC

Buổi sáng, đọc bài viết ngắn trên Facebook về lá thư từ Huế gửi đi Úc nhưng trôi lạc ở Sài Gòn suốt 53 năm, tôi đã liên hệ ngay với thầy Tống. Với giọng chậm rãi và đầy xúc cảm, thầy tâm sự qua điện thoại: 

"Lá thư có những nét chữ của anh đến với tôi như cái duyên hội ngộ kỳ lạ. Anh ấy thì qua đời rồi, nhưng lá thư lại đến với tôi sau hơn nửa thế kỷ trôi lạc vì hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, loạn lạc của nước nhà…".

"Tôi chỉ tiếc anh Thẩm viết lá thư cho mình đã qua đời cách đây vài năm. Giá như anh còn sống chắc bất ngờ và xúc động lắm khi biết thư gửi cho em từ năm 1968 tới bây giờ mới đến.

Thầy NGUYỄN THIỆN TỐNG

Cuộc hội ngộ kỳ lạ sau 53 năm

Câu chuyện hội ngộ lá thư đặc biệt của thầy Nguyễn Thiện Tống làm tôi cũng bất ngờ. Người chuyển thư về cho thầy Tống lại là TS Trần Đình Hằng - trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, một người bạn mà tôi cũng quen biết từ lâu kể từ lần đi thực địa tại Quảng Ngãi.

TS Hằng kể mình có nhóm bạn bè chơi sách xưa quý hiếm thường xuyên giao lưu với nhau. Anh hay nhờ bạn bè nếu sưu tầm được gì đặc biệt thì báo cho mình biết. Một hôm, người bạn ở Sài Gòn chụp chuyển anh lá thư đề ngày gửi mãi từ 12-7-1968 và đã được tìm thấy lẫn lộn trong mớ tài liệu ố màu thời gian. 

TS Hằng đọc thì thấy ghi tên người nhận là Nguyễn Thiện Tống với nội dung bối cảnh ở Huế. Anh ngờ ngợ liên quan đến người bạn cao tuổi đáng kính trên Facebook là PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - người có công gầy dựng bộ môn hàng không học ở Việt Nam mà TS Hằng chỉ được kết bạn trên Facebook nhưng chưa có duyên hội ngộ.

"Từ Huế, tôi chat trao đổi chuyện tìm thấy lá thư từ năm 1968 với thầy Tống lúc đó đang ở Sài Gòn, rồi gửi hình chụp cho thầy xem. Và thật xúc động, thầy nhận ra ngay lá thư này là của anh trai gửi cho chính mình vào năm 1968. Đó là năm chiến sự đang diễn ra khốc liệt. Thầy thì đang đi du học ở Úc, còn anh trai ở Huế.

Là người quan tâm tới lịch sử, tôi cũng rất cảm xúc với lá thư này. Không chỉ trôi lạc hơn nửa thế kỷ mới đến được người nhận, những dòng chữ viết tay dù rất ngắn gọn đã phần nào kể lại được chiến sự và tình cảnh người dân Huế vào năm lịch sử 1968" - TS Hằng tâm sự.

Nội dung lá thư ghi:

Người gửi: Nguyễn Thiện Thẩm, Box 77 Huế, South Việt Nam.

Người nhận: Nguyễn Thiện Tống, 18 Chapman Step, Forest Lodge, N.S.W. 2037, Australia.

"Huế ngày 12 tháng 7 năm 1968.

Tống mến,

Anh đã nhận được cuộn len, 2 màu, 2 quần jean, con chó đánh trống, cái để bàn giấy, 2 cái mâm và 5 gói hột bông từ Sài Gòn gửi về. Ở Huế vẫn bình yên. Mười đang dọn thi tú tài I. Mệ Mạ Cậu vẫn mạnh, anh làm ở Nông Lâm Súc Huế, Hộp thư 77, gửi thẳng về đây cho anh cũng được. 

Mấy lâu nay sao vắng thư thế, đau ốm gì không? Đừng về thăm nữa, 2, 3 năm nữa thành tài rồi về luôn cũng được, cố gắng lên một tý, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt thêm, về thăm cũng vô ích. Hãy cầu nguyện cho gia đình bình yên là được.

Đài con chị Cơ đi Sài Gòn, hiện ở một chỗ với Tám, địa chỉ 3/4 Đại học xá Minh Mạng, Chợ Lớn. Anh Liêu ở Biên Hòa, thay đổi địa chỉ luôn. 

A hôm kia 20-6-68 anh có gặp Quang (nickname Quang Đen) nó nói là em cứ đề địa chỉ như cũ thêm chữ nối dài (Duy Tân) là nó nhận được. Chú Tể vẫn ở Cung An Định, bình yên. Có gửi thư cho Quang Đen thì thăm thường thôi …

Còn tụi bạn em kỳ trước thì một là chết, hai là đi lính, ba là lên núi, bốn là đi Sài Gòn, chỉ còn lại Quang Đen, Mừng và Oanh Quắn. Riêng Mừng và Oanh Quắn đi Quy Nhơn học sư phạm mà chưa thấy về Huế, mặc dầu đã mãn niên học rồi, khi nào tụi nó về anh sẽ cho em biết sau.

Chị Hồng, chị Cơ mạnh, Anh Vinh bị cháy xe. Thằng Vũ của chú Ấm chết (bị mortié). Thằng Chí con ông Dự chết (cảnh sát). Thằng Trí bây giờ đi xây dựng ban văn công (văn nghệ). Anh chị Mân mạnh, Mụ Nghè mạnh.

Khi nào có carte visit loại bông hoa như năm kia cho anh độ 10 tấm (không cần thiết). À hôm Tết 24-1-68 anh có gửi cho em 2 gói mứt gừng và bí đao sen, nhận được không? Trả lời, gửi thư cho anh đề Hộp thư 77 Huế là được vì mỗi ngày đều có người đi nhận. Anh làm ở đây cũng nhàn lắm.

Thôi chúc em khỏe mạnh luôn.

Anh,

Ký tên"

Cuộc hội ngộ của lá thư lạc nửa thế kỷ - Ảnh 3.

Thư tình nghĩa anh em và phần nào kể lại tình cảnh đất nước năm lịch sử 1968 - Ảnh: NVCC

Tình nghĩa anh em giữa chiến tranh

Tâm sự với tôi, thầy Nguyễn Thiện Tống vẫn xúc động khi nhắc nhớ lại câu chuyện hội ngộ kỳ lạ cùng lá thư của anh trai mình. Thầy không ngờ nó trôi lạc suốt 53 năm, lại có ngày còn vẹn nguyên tìm đến được với mình qua bạn bè trên Facebook. 

Chùng giọng, thầy tâm sự: "Tôi chỉ tiếc anh Thẩm viết lá thư cho mình đã qua đời cách đây vài năm. Giá như anh còn sống chắc bất ngờ và xúc động lắm khi biết lá thư gửi cho em từ năm 1968 tới bây giờ mới đến".

Thầy Tống kể quê mình ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế) nhưng thầy trải tuổi thơ trên vùng đất nghèo khó Hải Lăng (Quảng Trị). Người chú của thầy là Nguyễn Thiện Hoằng hoạt động cách mạng chung với Phan Đăng Lưu, từng bị đày đi Côn Đảo và mất năm 1953. Thầy có hai chị và tám anh em trai. Thời cuộc chiến tranh khốc liệt của đất nước đã đưa đẩy mỗi người đi một hướng.

Ông Nguyễn Thiện Thẩm, người viết lá thư, là anh trai thứ bảy của thầy, sinh năm 1943, đậu Trung học đệ nhất cấp kỹ thuật năm 1962 và hoàn cảnh chiến tranh đã bị đi quân dịch. 

Đầu năm 1964, người anh của thầy bị báo tin "tử trận" ở Quảng Nam, rồi được cứu sống lại tại Quân y viện Duy Tân (Đà Nẵng) sau khi mất một thùy phổi và một phần gan. Xuất ngũ, ông Thẩm về làm thư ký ở Trường Nông Lâm Súc Huế cho đến năm 1975…

Tháng 7-1968, từ Huế, ông Thẩm viết lá thư cho em trai trong lúc thầy Tống đang đi du học tại Úc. Thầy học rất giỏi và là một trong 25 sinh viên Việt Nam nhận học bổng Colombo Plan du học tại Úc vào cuối năm 1965. 

Nội dung lá thư ngắn gọn mà đầy tình cảm anh em, gia đình. Đó là giai đoạn đất nước đang chiến tranh đẫm máu, mỗi người một nơi, nay còn mai mất, nên ruột rà máu mủ luôn trông đợi tin nhau.

Tâm sự lại chuyện này, thầy Tống trầm giọng: "Thư đã đóng dấu bưu điện ở Huế gửi đi Úc rồi nhưng không biết vì sao lại mắc kẹt ở Việt Nam suốt ngần ấy năm. Tôi đoán có lẽ an ninh hồi đó đã giữ lại để kiểm tra. Giá mà anh tôi còn sống, chắc anh sẽ kể được nhiều hơn…".

Cuộc hội ngộ của lá thư lạc nửa thế kỷ - Ảnh 4.

Thư đề gửi từ năm 1968 nhưng trôi lạc đến năm 2021 mới tới người nhận - Ảnh: NVCC

Ở lại với quê hương

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống sinh năm 1947, là một trong 25 sinh viên Việt Nam nhận học bổng Colombo Plan du học tại Úc năm 1965. Thầy là người Việt đầu tiên và trẻ nhất đậu tiến sĩ ngành kỹ thuật hàng không ở Viện đại học Sydney.

Năm 1974, thầy Tống không ở lại nước ngoài mà quyết định về nước, giảng dạy tại Trường đại học Phú Thọ (Sài Gòn) trong tình cảnh đất nước đang chiến tranh khốc liệt.

Bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, ông vẫn ở lại Sài Gòn đợi tiếp quản trường và tiếp tục dạy học. Ông là người được giao thành lập bộ môn kỹ thuật hàng không tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM.

QUỐC VIỆT
Theo Tuổi trẻ online
Các bài viết khác
Xem tin theo ngày